Khi được hỏi về tình hình kho dự trữ tên lửa của Nga trong cuộc phỏng vấn ngày 27/8, Vadym Skibitskyi, quan chức thuộc Cục tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, nhận định tình hình rất khó khăn khi Nga còn "không quá 45% tên lửa từ khi chiến sự bắt đầu".
"Họ đặc biệt gặp khó khăn với tên lửa Iskander, tổng cộng họ còn khoảng 20% số tên lửa này, thậm chí còn ít hơn. Tên lửa Kalibr cũng trong tình trạng tương tự, đây là loại tên lửa tương đối hiệu quả, song số lượng không nhiều. Đó là lý do tại sao họ sử dụng biến thể tấn công mặt đất của tên lửa Kh-22 và S-300, nhưng nguồn dự trữ này cũng đang cạn kiệt", ông Skibitskyi nói.
Ông Skibitskyi cho rằng vũ khí chính xác cao của Nga cũng đã đến mức giới hạn, theo quy định của quân đội nước này là 30%. "Mức này gần như không tồn tại với một số loại tên lửa", Skibitskyi nói. "Do đó họ tích cực sử dụng các khí tài khác như pháo phản lực Smerch và Uragan với tầm bắn 70-80 km, tối đa là 100 km".
Nga chưa bình luận về thông tin của quan chức tình báo Ukraine.
Tổ hợp Iskander phóng tên lửa đạn đạo tập kích mục tiêu Ukraine trong video công bố ngày 6/7. Video: BQP Nga.
Nga phát động chiến dịch quân sự ngày 24/2 nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine". Trong hơn 6 tháng chiến sự, giới chuyên gia quân sự và quan chức quốc phòng phương Tây nhiều lần nhận định kho tên lửa Nga sắp cạn kiệt do tần suất sử dụng cao.
Tuy nhiên, lực lượng Nga trong những tháng qua gần như ngày nào cũng tuyên bố sử dụng tên lửa và vũ khí chính xác cao tập kích mục tiêu tại Ukraine, trong đó có tên lửa đạn đạo và hành trình của tổ hợp Iskander.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 28/8 thông báo không quân nước này dùng vũ khí chính xác cao tập kích điểm triển khai của lữ đoàn dù số 95 Ukraine ở Slavyansk, tỉnh Donetsk, "tiêu diệt tới 150 phần tử dân tộc chủ nghĩa và 10 đơn vị vũ khí, thiết bị quân sự". Một cuộc tập kích khác nhằm vào vị trí gần Slavyansk "tiêu diệt hơn 100 phần tử dân tộc chủ nghĩa được đào tạo tại trung tâm huấn luyện dự bị của Ukraine".
Nga cũng khẳng định dùng vũ khí chính xác cao tập kích nhà xưởng của Nhà máy Motor Sich ở thành phố Zaporizhzhia, thủ phủ tỉnh cùng tên, nơi bảo dưỡng trực thăng của lực lượng không quân Ukraine.
![Cục diện chiến trường Ukrainhe sau hơn 6 tháng giao tranh. Đồ họa: NY Times.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/08/29/556318717813726673a-Ukraine-Ng-5780-3954-1661756658.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=u9qQL3pwl7AQtnhwg44CmA)
Cục diện chiến trường Ukrainhe sau hơn 6 tháng giao tranh. Đồ họa: NY Times.
Nguyễn Tiến (Theo Drive, RBC)