Hàng trăm binh lính Triều Tiên tập trung trên một đường phố tại thủ đô Bình Nhưỡng khi tuyết rơi hôm 17/2. Ảnh: AP. |
“Tôi phải công nhận rằng Triều Tiên, bây giờ và trong tương lai, sẽ luôn là một trong những mục tiêu tình báo khó nhất”, James Clapper, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ, phát biểu trước quốc hội Mỹ hôm 11/4.
Clapper nói thêm rằng Kim Jong Un, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên, vẫn là một nhân vật bí ẩn. Không ai biết suy nghĩ và mong muốn của người đàn ông này.
“Chúng tôi không có cách nào để đoán những hành động mà Jong Un sắp thực hiện”, ông giải thích.
Do điệp viên phương Tây không thể lọt vào một đất nước khép kín như Triều Tiên, Mỹ chỉ có thể thu thập thông tin về Triều Tiên bằng cách theo dõi các động thái của quân đội qua hệ thống vệ tinh nhân tạo.
“Đưa một điệp viên vào Triều Tiên là việc gần như bất khả thi”, Bruce Riedel, cựu quan chức Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và đang làm việc tại Viện Brookings, phát biểu.
Hôm 11/5, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) công bố một báo cáo về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Báo cáo nhận định rằng, rất có khả năng Bình Nhưỡng đã hoàn tất nỗ lực thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân để gắn nó vào tên lửa đạn đạo.
Nhưng các quan chức cấp cao của Mỹ bác bỏ lập luận của DIA, cho rằng Triều Tiên chưa sở hữu những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Họ cũng nói một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên vẫn là một khả năng xa vời.
“Triều Tiên đạt được một số tiến triển trong chương trình hạt nhân, nhưng họ chưa chứng tỏ khả năng triển khai vũ khí hạt nhân”, một quan chức giấu tên của Mỹ bình luận.
Jay Carney, người phát ngôn của Nhà Trắng, ủng hộ nhận định của vị quan chức giấu tên. “Theo đánh giá của chúng tôi, Triều Tiên chưa đủ khả năng triển khai vũ khí hạt nhân”, Carney phát biểu.
Nhưng nhiều quan chức khác thừa nhận họ không biết chắc những thứ mà Triều Tiên đã phát triển hoặc chưa phát triển. Vì thế, giờ đây Washington và các đồng minh phải chờ động thái tiếp theo của Bình Nhưỡng, trong bối cảnh Triều Tiên dọa phóng tên lửa tầm trung để phô trương sức mạnh quân sự.
Ở những quốc gia khác, các điệp viên Mỹ có thể nghe lén các cuộc điện thoại trong những giai đoạn khủng hoảng. Nhưng ở một nước cô lập như Triều Tiên, nơi đa số người dân không thể tiếp cận Internet quốc tế và điện thoại di động, các thiết bị nghe lén của Mỹ trở nên vô dụng.
Điện thoại di động đã xuất hiện ở Bình Nhưỡng, mang đến cơ hội nghe lén cho cộng đồng tình báo Mỹ. Đây là nhận định của David Maxell, một đại tá đã nghỉ hưu và từng phục vụ trong các lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, Maxell thừa nhận rằng điệp viên Mỹ không thể phát hiện các kế hoạch của giới lãnh đạo Triều Tiên cũng như tình hình nội bộ trong giới cầm quyền ở Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi có thể thu thập rất nhiều thông tin từ các vệ tinh và những loại thiết bị khác, nhưng ý định ban lãnh đạo Triều Tiên mới là yếu tố quan trọng. Cách thức tổ chức bộ máy, hình thức bảo vệ đội ngũ ra quyết định là thứ mà chúng tôi muốn biết. Không quan chức cấp cao nào đào tẩu khỏi Triều Tiên từ năm 1997 tới nay. Tôi nghĩ rằng mọi quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, đều không thể xâm nhập vào hàng ngũ quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên để tìm hiểu ý định của họ”, Maxwell nói.
Bình Nhưỡng cũng thể hiện trình độ thượng thừa trong việc đánh lừa tình báo phương Tây mỗi khi họ muốn giấu những vũ khí bí mật trong lòng đất.
“Quả thực Triều Tiên là bậc thầy trong hoạt động đánh lạc hướng”, Maxell nhận xét.
Vào năm 1999, giới chức Mỹ lo lắng khi dữ liệu vệ tinh cho thấy một thứ giống như cơ sở hạt nhân trên lãnh thổ Triều Tiên, nhưng sau đó họ phát hiện đó chỉ là một hố lớn.
“Những thứ mà chúng tôi thấy đều là chủ ý của Triều Tiên. Họ biết chúng tôi đang theo dõi họ”, Maxwell thừa nhận.
Chí Linh (theo AFP)