Quan chức ngư nghiệp Hàn Quốc, 47 tuổi, bị binh sĩ Triều Tiên bắn chết hôm 22/9 khi đang trôi nổi trong vùng biển Triều Tiên. Người này mất tích một ngày trước đó khi làm nhiệm vụ gần đảo Yeonpyeong ở hải giới hai nước.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau đó gửi thư cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, bày tỏ lấy làm tiếc vì sự việc. Bình Nhưỡng cũng thông báo kết quả điều tra sự việc cho Seoul, theo đó binh sĩ nước này đã bắn hơn 10 phát đạn vào người đàn ông Hàn Quốc "xâm phạm vùng biển Triều Tiên" sau khi người này "không cho biết danh tính và tìm cách bỏ trốn".
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ban đầu chỉ công bố thông tin và diễn biến chung về sự việc, trong khi phần lớn chi tiết được đưa lên truyền thông từ các nghị sĩ tham gia họp với quan chức quân đội và tình báo. Đây là quy trình thường gặp trong những sự việc liên quan đến Triều Tiên, nhưng lượng thông tin gần như chính xác đến từng phút được chuyển cho báo chí có thể đã làm lộ nhiều biện pháp nghiệp vụ được tình báo Hàn Quốc sử dụng để thu thập dữ liệu.
Các nguồn tin từ ủy ban quốc phòng, tình báo thuộc quốc hội Hàn Quốc cũng tiết lộ quân đội Hàn Quốc "thông qua các hoạt động nghe lén liên lạc nội bộ" đã xác định Triều Tiên phát hiện quan chức nghề cá vào 15h30 ngày 22/9 ở phía bắc hải giới liên Triều.
"Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác minh qua thông tin tình báo đặc biệt rằng Triều Tiên đã ra lệnh cho các quan chức của họ tẩm xăng và hỏa thiêu thi thể", lãnh đạo đảng đối lập Quyền lực Nhân dân (PPP) Joo Ho-young cho biết trong cuộc phỏng vấn với đài Hàn Quốc YTN, thêm rằng điều này "không dựa trên những nhận định của Bộ Quốc phòng, mà bởi những gì họ trực tiếp nghe thấy thông qua biện pháp do thám".
Nhiều quan chức quân sự Hàn Quốc đã bày tỏ bức xúc về lượng thông tin được các nghị sĩ công bố, đồng thời lo ngại điều này có thể thúc đẩy Triều Tiên thay đổi mật mã và những biện pháp liên lạc mà tình báo Hàn Quốc đã xâm nhập thành công.
"Có vẻ không phù hợp khi những thông tin tình báo nhạy cảm của quân đội được công bố một cách bất cẩn như vậy. Hành động đó không chỉ gây nhiều trở ngại cho hoạt động quân sự, mà còn không mang lại lợi ích cho an ninh quốc gia", quyền phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Hong-sik nói hồi đầu tuần.
Kim Byung-joo, nghị sĩ đảng cầm quyền và tướng 4 sao về hưu, cho rằng những biện pháp thu thập tin tức tình báo luôn phải được bảo vệ chặt chẽ, do mọi thông tin được hé lộ có thể khiến Triều Tiên tăng cường biện pháp bảo mật.
"Phần lớn thông tin tình báo đặc biệt mà chúng tôi có là nhờ nỗ lực hiệp đồng giữa Hàn Quốc và Mỹ, xử lý chúng đòi hỏi sự tin tưởng lẫn nhau. Tôi phải nhấn mạnh tầm quan trọng của tránh rò rỉ thông tin sau những cuộc họp kín giữa Bộ Quốc phòng với các nghị sĩ", ông nói thêm.
Cựu thứ trưởng phụ trách Chính sách Quốc phòng Hàn Quốc Yeo Suk-joo chỉ ra một sự việc vào năm 2008, khi lãnh đạo Triều Tiên khi đó là Kim Jong-il bị nghi đột quỵ. Nhiều chi tiết về tình trạng của Kim Jong-il, bao gồm ông có thể tự đánh răng và đứng lên với sự giúp đỡ của người khác, được công bố rộng rãi trên truyền thông Hàn Quốc và cho thấy mức độ xâm nhập của tình báo nước này tại Bình Nhưỡng.
"Nó đã tạo ra lỗ hổng lớn trong mạng lưới nằm vùng được chúng tôi xây dựng ở Triều Tiên. Tôi hy vọng đây sẽ là cơ hội để xem xét tình hình", Yeo nói, cảnh báo đợt thanh tra chính phủ sắp tới có thể cho phép các nghị sĩ nắm được nhiều thông tin hơn.
"Chúng ta cần phải rất cẩn thận với những hành động có thể làm tổn hại nghiêm trọng mạng lưới tình báo ở Triều Tiên. Các nhà lập pháp tham gia họp tình báo có thể nắm giữ thông tin, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có quyền tiết lộ chúng. Tôi muốn nhấn mạnh nghĩa vụ bảo vệ những bí mật như vậy", cựu quan chức Hàn Quốc nói thêm.
Nghị sĩ Kim cũng cáo buộc các nhà lập pháp đối lập tìm cách chính trị hóa những vấn đề an ninh quốc gia để công kích Tổng thống Moon, người đang đối mặt nhiều chỉ trích vì nỗ lực hòa giải với Triều Tiên.
Những chính sách của Tổng thống Hàn Quốc đã dẫn tới cuộc gặp lịch sử giữa ông và Kim Jong-un, cũng như hội nghị thưởng đỉnh Mỹ - Triều hồi năm 2018. Tuy nhiên, ông đang bị phê phán vì các nỗ lực xây dựng hòa bình không thu được nhượng bộ đáng kể từ Bình Nhưỡng.
Vũ Anh (Theo CNN)