Các cơ sở hạ tầng quan trọng của Australia như lưới điện, nguồn nước và bệnh viện có khả năng không được bảo vệ toàn diện nếu các tập đoàn viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE được quyền tham gia triển khai mạng 5G tại nước này, Mike Burgess, người đứng đầu Cục Tín hiệu Australia (ASD), hôm nay cảnh báo.
Burgess cho biết các chuyên gia an ninh mạng của ASD, cơ quan thuộc Cộng đồng Tình báo Australia, ủng hộ quyết định được chính phủ Australia đưa ra vào tháng 8 nhằm ngăn chặn hai công ty Trung Quốc này. Theo Burgess, Huawei và ZTE là "những nhà thầu có nguy cơ cao", Times Daily đưa tin. Đây là lần đầu tiên Cục trưởng ASD cung cấp những thông tin này.
"Lời khuyên của tôi là loại bỏ các nhà thầu này khỏi dự án phát triển mạng 5G", Burgess phát biểu. Các cơ quan an ninh của Australia bảo vệ các thông tin nhạy cảm và chức năng thuộc "phần lõi" của mạng viễn thông nước này bằng cách chỉ cho phép các nhà thầu có mức rủi ro cao tham gia lắp đặt thiết bị cho "phần rìa" của hệ thống mạng.
"Tuy nhiên hệ thống mạng 5G không có sự khác biệt giữa 'phần lõi' và 'phần rìa', nghĩa là mối nguy hiểm nằm ở bất cứ đâu trong hệ thống mạng đều đe dọa đến toàn bộ hệ thống", Burgess nói và nhận định mạng viễn thông 5G sẽ đứng đầu danh sách các cơ sở hạ tầng tối quan trọng của mỗi quốc gia.
"Công nghệ 5G sẽ củng cố các phương thức thông tin liên lạc mà người dân Australia sử dụng mỗi ngày, từ hệ thống y tế và ứng dụng trong hoạt động phẫu thuật từ xa cho đến sinh hoạt hàng ngày như lái xe, cung cấp điện nước", Burgess giải thích. Theo kế hoạch, mạng 5G sẽ được đưa vào khai thác thương mại tại Australia vào năm 2019.
Huawei bị cấm tham gia đấu thầu mạng băng thông rộng của Australia từ năm 2011, chính phủ một số quốc gia cũng cân nhắc kỹ lưỡng các hợp đồng với công ty này. Huawei do một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc thành lập năm 1987, hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và được cho có mối quan hệ thân thiết với chính phủ Trung Quốc.
Năm 2012, một báo cáo của quốc hội Mỹ nhận định Huawei là mối đe dọa đối với bảo mật thông tin và cảnh báo các công ty viễn thông không mua hàng của Huawei. Đại diện của Huawei khẳng định họ không bao giờ cung cấp dữ liệu khách hàng, trong đó có các khách hàng Australia, cho các cơ quan tình báo của Trung Quốc.
ASD được thành lập năm 1947 với tên gọi ban đầu là Cục Phòng thủ Tín hiệu (DSD). Từ tháng 7 năm nay, ASD trở thành cơ quan pháp lý độc lập với hồ sơ công khai hơn trước, chịu trách nhiệm xử lý tín hiệu tình báo nước ngoài, hỗ trợ các chiến dịch quân sự, chiến tranh mạng và bảo mật thông tin cho chính phủ Australia.
Nguyễn Tiến