Thoạt nhìn, hình ảnh người đàn ông ôm một cô bé trông rất ấm áp. Nhưng khi nhìn kỹ, bạn sẽ thấy một câu chuyện u ám hơn: đây là Adolf Hitler, người đứng sau vụ giết hại 6 triệu người Do thái và cô bé đó là người Do thái.
Bức ảnh hiếm này được chụp vào năm 1933 bởi nhiếp ảnh gia chính thức của trùm phát xít, Heinrich Hoffmann. Tuần này nó được bán đấu giá tại Mỹ với giá 11.000 USD, theo Washington Post.
"Hitler thường chụp ảnh với trẻ em vì mục đích tuyên truyền. Điều đáng kinh ngạc về bức ảnh này là ông ta dường như có cảm tình thật sự với cô bé", người chủ trì phiên đấu giá nói.
Ngày 20/4/1933, Rosa, 7 tuổi, và mẹ cô bé hòa vào đám đông mừng sinh nhật của Hitler tại dinh thự Berghof ở Obersalzberg. Sau khi biết Rosa trùng ngày sinh với mình, Hitler mời hai mẹ con vào trong dinh thự, nơi bức ảnh này được chụp.
Bà của Rosa là người Do Thái nên cô bé cũng được coi là người Do Thái theo luật chủng tộc của Đức quốc xã. "Nghiên cứu cho thấy rằng Hitler đã sớm biết về gốc gác Do Thái của cô bé nhưng phớt lờ việc đó, vì lý do cá nhân hoặc tuyên truyền", nhà đấu giá Alexander Historical cho biết trên trang web.
Hitler đã gửi một bản sao bức ảnh kèm chữ ký cho cô bé. "Rosa Nienau thân yêu và chu đáo, Adolf Hitler Munich, ngày 16/6/1933", ông ta viết. Rosa sau đó dán tem của mình và vẽ hoa lên bức ảnh đen trắng.
Cô bé viết thư cho Hitler và phụ tá Wilhelm Bruckner của ông ta ít nhất 17 lần năm từ năm 1935 đến năm 1938, cho đến khi cô và mẹ bị thư ký riêng của Hitler là Martin Bormann yêu cầu cắt đứt liên lạc. Trong lá thư ngày 27/9/1936, cô bé viết: "Thưa bác Bruckner, hôm nay cháu có rất nhiều điều để kể với bác. Cháu đang làm tất Giáng sinh cho bác Hitler vì năm ngoái khi cháu hỏi bác ấy tất có vừa không, bác ấy trả lời là "có!".
Hitler giận dữ với những người đã khiến ông ta mất liên lạc với người bạn nhí. Ông ta nói với Hoffman: "Một số người có tài phá đám tất cả những thú vui nhỏ của tôi".
Một năm sau khi Rosa bị cắt đứt liên lạc với Hitler, Thế chiến II nổ ra. 6 triệu người Do Thái chết khi cuộc chiến kết thúc vào 6 năm sau.
Rosa cũng không sống sót qua chiến tranh. Cô qua đời vì bệnh bại liệt khi 17 tuổi tại một bệnh viện ở Munich năm 1943, một thập niên sau lần đầu tiên gặp Hitler.