Theo bà Nguyễn Phương Nga, tàu cá QNg 50362 cùng các ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trên tàu bị lực lượng tuần tra Trung Quốc giữ ngày 22/3 và yêu cầu tiền phạt khi đang hành nghề đánh cá bình thường tại khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đây là tàu cá do ông Tiêu Viết Là (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) làm thuyền trưởng. Theo gia đình các ngư dân, phía Trung Quốc đã buộc các ngư dân điện thoại về yêu cầu thu xếp 70.000 nhân dân tệ (khoảng 180 triệu đồng) nộp qua tài khoản vì "xâm phạm lãnh hải", thì mới thả người và tàu.
Tàu đánh cá của ông Nguyễn Tấn Lự cùng các ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ ở Hoàng Sa, sau đó được thả về vô điều kiện vào tháng 8/2009. Ảnh: Trí Tín. |
Bà Nga cho biết, sau khi nhận được thông tin về sự việc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
"Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ vụ việc, thông báo kết quả cho phía Việt Nam và thả ngay, vô điều kiện, tàu cá cùng toàn bộ số ngư dân nói trên", bà Nga nói.
Trước đó, chiều 27/3, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu phía Trung Quốc thả 12 ngư dân đang bị tạm giữ ở Hoàng Sa vô điều kiện. Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh cũng báo cáo nhanh về việc tàu cá của ông Tiêu Viết Là bị Trung Quốc bắt giữ vô cớ tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng đến luật biển.
Đây là lần thứ hai tàu của thuyền trưởng Là cùng các ngư dân bị Trung Quốc giữ ở Hoàng Sa. Lần thứ nhất vào tháng 5/2007, tàu của ông Là bị tịch thu còn người được thả về.
Tháng 8 năm ngoái, tàu của ông Nguyễn Tấn Lự ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cũng bị Trung Quốc giữ ở Hoàng Sa đòi tiền chuộc. Nhờ có sự can thiệp của các cơ quan chức năng nên tàu và người đã được thả về vô điều kiện.
Nguyễn Hưng