Chủ tàu là ông Nguyễn Tấn Thành, quê ở xã Bình Châu, không đi cùng chuyến ra khơi lần này. Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, ông Thành kể, tàu mới ra khơi đánh bắt chỉ được vài ngày nay. "Nghe tin có gió mùa Đông Bắc tràn về, anh em đưa tàu vào tránh gió ở gần đảo Phú Lâm thì bị Trung Quốc bắt giữ", chủ tàu cho biết.
Theo ông Thành, phía Trung Quốc đã buộc các ngư dân điện thoại về quê yêu cầu thu xếp 7.000 nhân dân tệ (khoảng 180 triệu đồng) nộp qua tài khoản vì "xâm phạm lãnh hải", thì mới thả cho người và tàu về quê.
Tàu đánh cá của ông Nguyễn Tấn Lự cùng các ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ ở Hoàng Sa, sau đó được thả về vô điều kiện vào tháng 8/2009. Ảnh: Trí Tín |
Đây là chiếc tàu cá có công suất 80 CV, trị giá hơn 250 triệu đồng, cùng chi phí ngư lưới cụ và lương thực thực phẩm cho chuyến ra khơi khoảng 200 triệu đồng. Hầu hết gia đình các ngư dân bị giữ ở Hoàng Sa có hoàn cảnh nghèo khó nên suốt hai ngày qua, họ mất ăn mất ngủ, không biết xoay xở tiền từ đâu để chuộc người thân và tàu về.
Bà Nguyễn Thị Bưởi, vợ thuyền trưởng Là cho biết, chiều 25/3, chồng bà từ Hoàng Sa có gọi điện về nhà hối thúc chuẩn bị tiền chuộc. "Nhưng tôi vay mượn, xoay sở các nơi chỉ mới có vài chục triệu đồng, làm sao đủ để trả", bà Bưởi nghẹn ngào nói. Hai số liên lạc mà ông Là gọi về nhà cung cấp để trao đổi nộp tiền, khi người vợ gọi lại thì chỉ nghe toàn tiếng Trung Quốc nên không nói chuyện được.
Gia đình 12 ngư dân đã làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Ngoại giao can thiệp kịp thời để những người bị nạn sớm trở về đoàn tụ với gia đình.
Đại tá Bùi Phụ Phú, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã nhận được thông tin về vụ Trung Quốc bắt giữ tàu đánh cá Việt Nam. "Ban chỉ huy đã chỉ đạo Đội biên phòng 288 ở Bình Sơn xác minh vụ việc để báo cáo lãnh đạo tỉnh kiến nghị Bộ Ngoại giao có giải pháp can thiệp", đại tá Phú nói.
Đây là lần thứ hai tàu của thuyền trưởng Là cùng các ngư dân bị Trung Quốc giữ ở Hoàng Sa. Hồi tháng 5/2007, tàu của ông Là cũng bị Trung Quốc bắt giữ trong lúc hành nghề ở Hoàng Sa, sau đó tàu bị tịch thu còn người được thả về.
Tháng 8 năm ngoái, tàu của ông Nguyễn Tấn Lự ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cũng bị Trung Quốc giữ ở Hoàng Sa đòi tiền chuộc. Nhờ có sự can thiệp của các cơ quan chức năng nên tàu và người đã được thả về vô điều kiện.
Trí Tín