Thành lập tháng 8/1945, Bộ Nội vụ là một trong 13 bộ của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Nhưng ít ai biết rằng, đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên và cũng là bộ trưởng duy nhất của Chính phủ lâm thời hiện còn sống.
Trong Chính phủ lâm thời, Bộ Nội vụ giữ vai trò quan trọng như tham mưu cho Chính phủ xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự trị an, theo dõi, điều hành công tác nội trị, pháp chế, hành chính công và là đầu mối phối hợp hoạt động của các bộ.
Do tin tưởng nên Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quyền cho Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ ký, ban hành khoảng 30 sắc lệnh quan trọng ngay sau ngày thành lập nước. Trong đó, phải kể đến sắc lệnh bỏ thuế thân bởi đây là "thuế vô lý, trái ngược với tinh thần chính thể cộng hòa dân chủ" và việc bãi bỏ nhằm "đỡ gánh nặng cho dân chúng và hợp với công lý".
Sắc lệnh số 7 về buôn bán và chuyên chở thóc gạo do Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký ngày 5/9/1945. |
Để giữ an toàn cho ngày Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Bộ trưởng Nội vụ đã thay mặt Chính phủ lâm thời ban hành sắc lệnh số 3 tuyên bố "thiết quân luật tại Hà Nội", trong đó cấm đi lại trên phố từ 12h đêm đến 6h sáng, và không ai được mang khí giới, trừ những người có giấy phép.
Sau ngày độc lập, trên cương vị Bộ trưởng Nội vụ, ông Võ Nguyên Giáp đã ban hành nghị định đặt lại giờ chính thức ở Việt Nam. Theo đó, "kể từ 24 giờ ngày 1/9/1945, giờ chính thức trên toàn quốc sẽ lùi lại 2 giờ so với giờ được quy định trong nghị định của chính quyền cũ. Bãi bỏ quy định giờ của chính quyền cũ".
Cùng với đó, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành sắc lệnh số 5 bãi bỏ cờ quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam: "Quốc kỳ hình chữ nhật, bề ngang hai phần ba bề dài, nền màu đỏ tươi, ở giữa có sao 5 cánh màu vàng tươi".
Nhờ sắc lệnh số 7 của ông mà việc buôn bán và chuyên chở thóc gạo ở Bắc Bộ hoàn toàn được tự do, Chính phủ cần thóc gạo sẽ mua thẳng của tư gia. Tuy nhiên, những người đầu cơ, tích trữ gạo nếu làm ảnh hưởng đến nền kinh tế sẽ bị nghiêm phạt theo luật và bị tịch thu gia sản.
Để củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, Bộ trưởng Nội vụ đã thay mặt Chính phủ ký sắc lệnh tổ chức Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội: "Tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường...". Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức thành công.
Được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phụ trách việc lập Ban dự thảo Hiến pháp, chỉ một thời gian ngắn sau đó, với sự giúp đỡ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và Ban soạn thảo đã trình Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1946 - đạo luật cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phong hàm Đại tướng cho Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp ngày 20/1/1948. |
Ngoài việc ban hành các văn bản pháp lý đầu tiên về tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp còn ký các sắc lệnh về việc "thiết lập những lớp học bình dân buổi tối cho nông dân và thợ thuyền"; "bắt buộc học chữ quốc ngữ và không phải mất tiền cho tất cả mọi người".
Sắc lệnh này nêu rõ: "Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân nào trên 8 tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ sẽ bị phạt tiền".
Dù chỉ làm Bộ trưởng Nội vụ trong khoảng một năm nhưng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã có công lao to lớn trong việc tổ chức bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã tham mưu cho Chính phủ ban hành trên 100 sắc lệnh (trong đó có khoảng 30 sắc lệnh do chính ông ký) có tính chất pháp quy ở nhiều lĩnh vực.
Năm 1946, ông Võ Nguyên Giáp trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ mới và chức Bộ trưởng Nội vụ được giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ngày 27/5/1948, ông được trao quân hàm đại tướng khi mới 37 tuổi, và trở thành vị đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sáng 25/8, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Hà Nội) trưng bày những tài liệu, hình ảnh chọn lọc về các hoạt động của vị đại tướng và Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên. |
Tiến Dũng