Ba ngày sau cơn mưa cường độ 140 mm nước vào chiều ngày 1/8 biến nhiều tuyến đường Sài Gòn thành sông, Công ty thoát nước đô thị TP HCM đã kết luận nguyên nhân là do chủ đầu tư hai dự án Đại lộ Đông Tây và Cải thiện môi trường nước thành phố đã lấp tạm rạch Bến Nghé (đoạn từ cầu Calmette đến cầu Khánh Hội cũ) phục vụ thi công.
Kết luận này cũng cho rằng, những cơn mưa cường độ lớn trên địa bàn ngày càng tăng, trong khi quá trình đô thị hóa mở rộng làm tốc độ thoát nước giảm, chưa kiểm soát được mực nước triều, hệ thống cống cũ cùng những công trình dang dở... đang đặt Sài Gòn vào tình trạng nước ngập chưa từng có.
Đường phố Sài Gòn như biến thành sông sau cơn mưa đầu tháng 8. Ảnh: Kiên Cường. |
Trong khi đó, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải giải thích, thống kê cho thấy các trận mưa có lưu lượng trên 100 mm mỗi năm một nhiều nên hệ thống thoát nước cũ kỹ của đô thị không có cách nào tải hết lượng nước một cách nhanh chóng. Cơn mưa ngày 1/8 được đánh giá lớn nhất trong vòng 10 năm nay, nên thành phố ngập là chuyện dễ hiểu.
"Quy chuẩn để lắp đặt cống không làm để có thể chịu đựng trận mưa theo kiểu 100 năm mới có một lần. Như vậy rất lãng phí do 99 năm còn lại không xài tới công dụng thực tế của nó", ông Phượng nói.
Theo ông, thành phố quyết tâm chống ngập bằng hàng loạt dự án đang thi công, thậm chí chấp nhận tình trạng "lô cốt" lổn nhổn gây kẹt xe, tắc đường nhiều nơi, nhưng cũng chấp nhận bó tay khi mưa quá lớn. Người đứng đầu Sở Giao thông vận tải thành phố không đề cập đến trách nhiệm thi công đã chặn đường thoát nước của chủ đầu tư các công trình đang thực hiện.
Tuy nhiên, ông Phượng cho biết, trong thời gian tới Sở sẽ kiến nghị với Bộ Xây dựng điều chỉnh các quy chuẩn cống mới lớn hơn, chịu đựng được những cơn mưa trên 100 mm.
Đại diện Ban Quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố thì khẳng định, họ không có chủ trương lấp rạch Bến Nghé dù là tạm, mà có thể do bùn đất từ các dự án xung quanh chảy ra đã bồi lắng đoạn kênh này.
Trên thực tế, trong vòng nửa năm qua, người TP HCM phải chịu đựng nhiều hơn tình trạng bị ngập nước, kể cả sau những cơn mưa nhỏ với cường độ 40-50 mm hoặc nhiều khu vực chưa bao giờ chìm trong nước nhưng người dân cũng phải lội bì bõm.
Ý kiến bạn đọc về tình trạng ngập nước tại TP HCM trên VnExpress.net. |
Kết quả khảo sát ý kiến bạn đọc của VnExpress.net về tình trạng ngập nước tại thành phố tuần qua cho thấy, đến trên 80% trong số gần 12.000 người tham gia biểu quyết cho rằng Sài Gòn đang ngập nặng hơn so với trước. Hơn 10% nhận xét tình trạng bị nước nhấn chìm thành phố vẫn chưa được cải thiện. Chỉ 2,3% ý kiến nói rằng, TP HCM đỡ ngập hơn xưa.
Các chuyên gia về công chính tại TP HCM cũng khẳng định thành phố đang chịu ngập nặng hơn trước, vì nhiều nguyên do.
Viện trưởng Viện khoa học thủy lợi miền Nam Lê Mạnh Hùng cho rằng, ngoài nguyên nhân mưa bất thường, ngập "kinh khủng" còn do tốc độ đô thị hóa mở rộng thành phố.
"Thông thường khi mưa một phần nước sẽ thấm xuống đất hoặc chảy vào các chỗ trũng, hồ điều tiết, còn lại theo hệ thống thoát nước ra sông. Tuy nhiên TP HCM do mặt bằng trải bêtông ngày càng lớn nên khả năng thoát thấm xuống đất gần như không còn", ông Hùng phân tích. Ông cũng nhận xét, do Sài Gòn có rất ít vùng trũng, khả năng trữ nước không nhiều nên triều dâng ở ngoài biển đã chảy thẳng vào trung tâm với tốc độ quá nhanh, kết hợp mưa gây ngập trên diện rộng.
Thêm nữa, ông Hùng cho rằng, nhiều khu dân cư mới, khu công nghiệp mọc như "nấm" đã vô tình san lấp các hồ điều tiết làm tình trạng càng trầm trọng hơn. Tốc độ dòng chảy bị hạn chế rõ rệt nên nước khó thể thoát được nhanh. Do không thể nâng cốt nền của thành phố, thì buộc phải hạ mức triều nếu muốn cải thiện tình hình để nước mưa cũng thoát nhanh hơn ra các con sông.
Hiện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trình phê duyệt "Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP HCM", với tổng vốn đầu tư trên 11.000 tỷ đồng. Dự án này sẽ xây các cống lớn, đê bao xung quanh thành phố để kiểm soát thủy triều trong tương lai.
Kiên Cường