Số tiền người dân TP HCM đánh đổi để không phải sống chung với ngập lụt tương đương tổng số tiền quyên góp kỷ lục để thực hiện các công tác nhân đạo trên 26 nước của Liên Hiệp Quốc năm 2006, và gần bằng khoản vốn thu hút đầu tư trong 10 năm của 8 khu công nghiệp lớn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ở TP HCM, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập úng là do mưa, lũ từ các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ..., do thủy triều xâm nhập từ biển, cộng thêm bài toán nước thải đô thị và kết hợp của các yếu tố trên.
Bài toán ngập do lũ và triều cường của TP HCM được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giải quyết bằng việc xây dựng Quy hoạch thủy lợi.
Tuy nhiên, trong buổi họp góp ý sáng 24/4 về Đề án chống ngập tại UBND TP HCM, nhiều đại biểu cho rằng Quy hoạch vẫn cần phải hoàn chỉnh thêm nếu muốn phát huy hiệu quả.
Ông Lương Minh Phúc, Phó phòng quản lý cấp thoát nước Sở Giao thông công chính TP HCM, khẳng định: "Việc xây dựng 2 cống ngăn triều lớn tại Soài Rạp và Lòng Tàu cần phải suy nghĩ lại cho đồng bộ với hệ thống đê biển trong tương lai".
Ngoài ra, theo đại biểu Hội đồng nhân dân Lê Mạnh Hùng thì cần nghiên cứu việc ảnh hưởng tới giao thông thủy như thế nào, vì khi làm 2 cống lớn ở đây với khối lượng vận tải biển đạt 200 triệu tấn một năm vào năm 2020 thì phải xây dựng thêm hệ thống trung chuyển khổng lồ rất tốn kém.
Bên cạnh đó, do đây là một công trình liên quan tới nhiều tỉnh thành nên phải có lộ trình rõ ràng và cơ chế triển khai để không ì ạch.
![]() |
Mỗi lần triều cường là người dân TP HCM phải sống chung với ngập lụt. Ảnh: T.C. |
Quy hoạch thủy lợi sẽ phân thành 3 vùng ảnh hưởng gồm toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn, khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp với mục đích kiểm soát lũ và kiểm soát triều phục vụ bài toán chống ngập trên địa bàn thành phố.
Tổng kinh phí cho quy hoạch này là 7.200 tỷ đồng thực hiện trong vòng 3 năm với việc xây dựng 6 cống lớn tại các vị trí: Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Kinh Hàng, Thủ Bộ và các cống nhỏ tại các rạch khác; Xây dựng tuyến đê bao nối các cống (tận dụng đường giao thông có sẵn); Nạo vét các kênh trục thoát nước trung tâm Sài Gòn về phía Nam.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, hệ thống có thể làm giảm mực nước cao nhất trên các kênh rạch trong khu vực dưới cao độ 1 m, đảm bảo khu trung tâm và nam thành phố không còn bị ngập do thủy triều khi triều cường vào mùa khô và do triều cùng với mưa vào mùa mưa.
Tiếp đó tiến hành nạo vét tuyến trục Bắc Nam. Cuối cùng là xây dựng hoàn chỉnh tuyến đê bao. Sau khi hoàn thành 3 giai đoạn, hệ thống khép kín sẽ đảm bảo kiểm soát tuyệt đối nước trên kênh rạch trong khu vực, ngăn chặn ảnh hưởng của nước biển dâng.
Các dự án đang được triển khai để thoát nước mưa và nước thải: Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Dự án rạch Hàng Bàng, Dự án Cải thiện môi trường TP HCM; Dự án Nâng cấp đô thị. Các dự án này cơ bản được hoàn thành vào năm 2011. |
"Vế" còn lại phải tính đến hai vấn đề là thu gom và xử lý nước thải cũng như giải quyết ngập do mưa trong Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt với tổng mức đầu tư lên đến 4 tỷ USD.
Theo đó, toàn thành phố chia làm 6 lưu vực thoát nước mưa (dựa trên cao trình mặt đất và quy hoạch đô thị) bao gồm: vùng trung tâm, vùng Bắc, Tây, Nam, Vùng Đông Bắc và vùng Đông Nam, với chiều dài và hệ thống mương thoát nước phải có là 6.000 km (trong khi hiện tại chỉ 1.000 km).
Ngoài ra, cần xây dựng 9 nhà máy để xử lý hệ thống nước thải sinh hoạt. Khu vực sử dụng hệ thống thoát nước bẩn đến năm 2020 có diện tích 189,78 km2, dân số 5.775.000 người bao gồm khu vực nội thành hiện hữu và các quận mới như Thủ Đức, quận 2, 7, 9, 12.
Kiên Cường