Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão sáng nay, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, dù còn cách bờ trên 100km nhưng bão Sơn Tinh đã gây gió mạnh cấp 6-7, có nơi cấp 9 ở các đảo gần bờ (Bạch Long Vĩ, Hòn Ngư, Cồn Cỏ) và vùng ven biển. Trên đường đi, bão trút lượng mưa phổ biến có các tỉnh ven biển miền Trung 100-200mm.
Diễn biến bất ngờ nhất là chiều tối hôm qua (27/10) bão mạnh lên rất nhanh. Trong buổi chiều, bão mạnh lên 2 cấp, đến tối mạnh tới cuối cấp 14. "Đây là diễn biến mà tất cả các đài dự báo không lường được. Với cấp bão này, nếu suy yếu thì khi cập bờ bão vẫn còn mạnh cấp 11-12", ông Tăng nói.
Ảnh vệ tinh sáng nay cho thấy vùng mây của bão bao trùm suốt dọc ven biển Bắc Trung Bộ và phía nam đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh: NCHMF. |
Đồng thời, với hướng di chuyển dọc bờ biển Bắc Trung Bộ và đảo Hải Nam (Trung Quốc), dù tâm bão cách bờ 100km nhưng chỉ cần bão dịch chuyển về phía tây là đã quét vào ven biển nước ta. Vì thế, cơ quan khí tượng trong đêm qua đã mở rộng vùng nguy hiểm từ Quỳnh Lưu (Nghệ An) tới Nam Định. Trong đó, vùng gió cực mạnh từ cấp 10 trở lên có bán kính chừng 60-70 km tính từ tâm bão.
Đến 7h sáng nay, cách bờ biển các tỉnh Nam Định - Nghệ An khoảng 130 km về phía đông. Bão mạnh cấp 13 và vẫn tiếp tục theo hướng giữa tây và tây tây bắc với tốc độ 15km mỗi giờ.
"Qua trưa, đầu chiều, bão áp sát vùng biển Nghệ An, Thanh Hóa - Nam Định. Nhưng vị trí đổ bộ rất khó xác định vì bão cứ tiệm cận với bờ chứ không đổ bộ ngay", ông Tăng cho hay. Giám đốc cơ quan khí tượng cũng cho rằng, cơn bão khi đi sâu vào đất liền sẽ suy yếu nhanh và chỉ còn gió của áp thấp nhiệt đới (dưới cấp 8).
Trong khi đó, một số đài khí tượng trên thế giới nhận định, bão có thể "liếm" vào Thanh Hóa sau đi vòng ra tận Hải Phòng song khả năng này không cao. Nếu xảy ra, thì bão cũng chỉ còn cấp gió 8-9 khi trượt lên Hải Phòng - Quảng Ninh và diễn ra muộn hơn vào nửa đêm nay.
Theo Trung tâm khí tượng, mưa trong ngày và đêm nay chủ yếu xảy ra dọc đường đi của bão. Vì thế, mưa lớn chủ yếu xảy ra ở ven biển là chính còn sâu trong đất liền không nhiều. Các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Bình mưa 200-300 mm và sâu trong đất liền chỉ xấp xỉ 100m. Riêng khu vực Hà nội và phía tây bắc chỉ 50-70mm.
Dự kiến đường đi của bão Sơn Tinh. Ảnh: NCHMF. |
Tại Thanh Hóa, trong đêm qua và rạng sáng nay, trời đã chuyển mưa nặng hạt, gió giật mạnh. Ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hoá cho biết, 6h sáng, UBND tỉnh Thanh Hoá đã chính thức phát lệnh di dân khẩn cấp.
Theo đó, khoảng hơn 12.000 hộ dân với hơn 53.000 nhân khẩu sinh sống cách mép nước 200m thuộc các huyện ven biển Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hoá, Tĩnh Gia, Sầm Sơn, Quảng Xương phải được di dời khẩn cấp trong sáng 28/10.
Tại xã biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, hiện đã có mưa lớn, gió giật mạnh. Tiếng còi hú, tiếng kẻng báo động liên tục được phát đi từ trung tâm truyền thanh của xã kêu gọi người dân tìm nơi tránh trú an toàn. Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, ngay từ khi nhận được lệnh di dân, UBND xã đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, dân quân tự vệ, công an, dân phòng cùng sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội chính quy giúp người dân sơ tán vào các trường học, những ngôi nhà kiên cố cách xa bờ biển.
Dự kiến xã Ngư Lộc sẽ di dời hơn 1.000 hộ với hơn 3.000 dân vào khu vực an toàn ngay trong sáng nay. Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát cũng về đây thị sát và chỉ đạo công tác di dân.
Những chiếc thuyền cuối cùng được khiêng vào bờ. Ảnh: Lê Hoàng. |
Tuy nhiên, vì cơn bão Sơn Tinh diễn biển khá bất thưòng, đêm qua tại Thanh Hoá trời khá quang đãng, không có gió, mưa nhẹ khiến nhiều người dân có tâm lý chủ quan. Theo ghi nhận, lúc 7h30, nhiều xưởng chế biến cá của ngư dân xã Ngư Lộc nằm ngay trên bờ đê vẫn hoạt động. Trong các lều tạm sát chân đê có hàng chục phụ nữ vẫn cười nói vui vẻ làm cá. Trẻ em nô đùa, chạy nhảy trên bờ đê. Đặc biệt, khu chợ cá Minh Lộc vẫn mở cửa buôn bán.
Tại vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An), là vùng dự kiến bão sẽ quét qua hiện đang mưa lớn, gió giật liên hồi kèm sóng cao. Trước diễn biến bất thường của bão Sơn Tinh, đêm 27 và rạng sáng 28/10, huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức sơ tán khẩn cấp 600 hộ dân với hơn 3.700 nhân khẩu ở các xã ven biển Quỳnh Phương, Quỳnh Thọ, Sơn Hải, Quỳnh Long, Tiến Thủy, An Hòa, Quỳnh Nghĩa. Đây là những hộ nằm sát biển nhưng vì chủ quan với bão nên chưa di dời.
Đến 2h sáng 28/10, tất cả các hộ này đã được sơ tán về các trường học, trạm biên phòng và nhà dân một cách an toàn. Tàu thuyền ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu đã vào bờ trú ẩn an toàn song vẫn còn một số người ở lại tàu vì lo tàu thuyền bị sóng đánh chìm khi bão đổ bộ.
Ban chỉ huy PCLB Nghệ An cho biết, hơn 4.000 tàu thuyền với 18.000 lao động trên biển đã vào bờ trú ẩn an toàn. Điều lo lắng nhất của Nghệ An hiện nay là các hồ đập đã sắp đầy nước, sau bão thường có mưa lớn nên việc bảo vệ an toàn cho các hồ đập được đề ra một cách cấp bách. Kế hoạch xã lũ tất cả các hồ đập trên địa bàn đã được đưa ra nếu có mưa lớn.
Ven biển Nghệ An mưa lớn, sóng đánh cao do ảnh hưởng bão. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Tại Hà Tĩnh, rạng sáng 28/10, một số khu vực đã có mưa to đến rất to. Xã biển Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) mưa lớn, gió giật mạnh, sóng biển đánh cao khiến người dân lo lắng tàu thuyền bị va đập. 20 hộ dân ở sát mép nước cửa biển Cẩm Nhượng đã được di dời đến nơi an toàn, hơn 100 hộ khác nằm trong danh sách di dời nếu nước biển tiếp tục dâng. Tại huyện Nghi Xuân, đêm 27/10, hàng chục hộ dân xã Xuân Hội đã gói gém đồ đạc để di chuyển tránh bão. Chính quyền huyện này đã huy động 5 ôtô với hơn 100 cán bộ chiến sĩ bộ đội, công an giúp dân sơ tán. Hiện, tất cả các tàu thuyền và người lao động trên biển của Hà Tĩnh đã tìm được nơi trú ẩn an toàn.
Tại các tỉnh từ Quảng Bình tới Bình Định, hiện còn 2 tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi với 28 lao động đang leo đậu tại các đảo Phú Lâm và Gò Mới thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hai tàu này vẫn đang giữ liên lạc thường xuyên với Bộ đội biên phòng tỉnh.
Tại Thừa Thiên Huế, ngành giáo dục đã cho học sinh các cấp học ở các huyện, thị xã và TP Huế nghỉ học từ ngày 27/10. Học sinh tại hai huyện miền núi của tỉnh này là Nam Đông và A Lưới vẫn đi học bình thường, chờ diễn biến tiếp theo của bão.
Các hồ chứa thủy điện tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang vận hành bình thường và không xả qua tràn. Riêng hồ Hố Hô (Quảng Bình) đã mở 3 cửa xả.
N.Hưng - L.Hoàng - N.Khoa - N.Đông