*Ảnh: Những con đò dây chở khách |
Nằm cách trung tâm thủ đô chưa đầy 15 km, từ hàng chục năm nay, người dân xã Mỹ Hưng (Thanh Oai), đã quá quen với việc đi đò dây vượt sông Nhuệ để sang xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) làm ăn, buôn bán.
Theo người dân, khu vực này không có cầu, nếu muốn qua sông họ phải đi vòng qua cầu Tả Thanh Oai, xa hơn 6-7 km. Để tránh tốn xăng, tốn thời gian, đa số chọn cách đi đò dây. Xã Mỹ Hưng, nơi có khoảng 6 km đường bờ sông Nhuệ, hiện có 3 bến đò như vậy.
Đò không dùng máy nổ hay tay chèo, thay vào đó là sợi dây dù buộc vào 2 cọc bê tông chôn ở hai bờ sông. Mỗi khi có khách, người chở chỉ cần bám vào sợi dây rồi khom lưng kéo, đưa đò sang bờ bên kia. Giải pháp này vừa lợi dụng địa thế sông hẹp, vừa đỡ tốn sức hơn là sử dụng mái chèo.
Dây dù cột vào 2 đầu cột vắt qua sông làm tay vịn để kéo đò qua sông. Ảnh: Phương Sơn. |
Những con đò ở Mỹ Hưng được làm rất thô sơ, phần lớn là bê tông cốt sắt mỏng, mặt đò làm bằng những mảnh gỗ nhỏ ghép lại, hầu hết đều không có lan can. Giá trị mỗi con đò khoảng 3 đến 5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Đại ở thôn Quang Minh (Mỹ Hưng, Thanh Oai), người kéo đò dây trên sông Nhuệ hơn 20 năm, cho biết hàng ngày lượng người qua đò khá đông, mỗi lượt mất khoảng 2-3 phút. Do sông khá nông, khoảng cách đôi bờ ngắn nên việc dùng dây sẽ tiết kiệm sức so với mái chèo. Trung bình mỗi tháng thu nhập từ việc chở đò của ông được 2-2,5 triệu đồng, mỗi lượt cả người và xe ông chỉ thu 500-1.000 đồng, ai hảo tâm thì đưa 2.000-3000 đồng.
"Vào mùa nước lớn, tôi phải chở bớt người đi. Còn sức thì còn chở, đến bao giờ có cây cầu mọc lên ở đây, người dân đi lại tiện lợi thì lúc đó tôi giải nghệ cũng được”, ông Đại nói.
Mỗi lần đưa khách qua sông chủ của những chiếc đò dây nhận 1.000-2.000 đồng. Ảnh:Phương Sơn |
Mùa nước cạn, mặt sông rộng khoảng 20 mét, nước bốc mùi nồng nặc, còn vào mùa mưa tháng 5-6 nước dâng lên tới mép bờ và khá sâu. "Từ trước đến nay chưa xảy ra tai nạn chết người. Nhưng khi nước lên, nhìn những con đò dây chở người qua sông, chòng chành nguy hiểm lắm", ông Tạ Văn Thuận, Trưởng côn an xã Mỹ Hưng chia sẻ.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Mát, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng cho biết, xã đã đề nghị thành phố Hà Nội xây cho địa phương một cây cầu qua sông Nhuệ. Tháng 11/2010, UBND thành phố đã có văn bản đồng ý đầu tư xây dựng cho xã một cây cầu dân sinh.
Vị trí, quy mô cầu, thành phố đã giao cho UBND huyện Thanh Oai làm chủ đầu tư nghiên cứu, đề xuất và thực hiện bằng nguồn vốn của thành phố. Dự tính trong năm 2011 dự án này sẽ được khởi công.
Phương Sơn