Tham gia chấm tại nhiều trường, cô Lương Thị Thoa, cán bộ khoa Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội nhớ nhất khi đọc bài tâm sự của một thí sinh viết cho mẹ mình.
Sau khi làm được một trang giấy, đến trang thứ hai thí sinh này bắt đầu kể lể: "Con trách mẹ đã không chăm lo đến con, nhưng đến giờ con mới biết là con đã lầm. Con đâu biết suốt 12 năm qua, mẹ luôn tần tảo, vất vả chăm lo cho con. Đến bây giờ ngồi trong phòng thi này, con hối hận thì đã muộn".
"Bài tâm sự dài hơn 3 trang, tuyệt nhiên không thấy kể về bố nên tôi đoán chắc em này gia đình cũng có hoàn cảnh. Dù vậy, tôi cũng không thể cho em điểm khá hơn vì đáp án có thang điểm rõ ràng", cô Thoa bày tỏ.
Thí sinh làm bài thi Văn tại Học viện Tài chính. Ảnh: Tiến Dũng. |
Cũng theo cô Thoa, trong lần chấm thi tại hội đồng khác, cô đã gặp một chi tiết bi hài không kém. Trong câu hỏi liên quan đến ngày toàn quốc kháng chiến, một thí sinh đã viết: "Trong đêm tối, Bác Hồ đã đạp xe đạp đến đài phát thanh để …phát động toàn quốc kháng chiến". Đến giờ giải lao, cô kể cho cả hội đồng nghe về chi tiết lạ mà mình vừa chấm nhưng không ai tin vì nghĩ "chắc cô đang đùa". Chỉ đến khi một giáo viên chấm thi ngồi cạnh cô Thoa xác nhận, cả hội đồng cười nghiêng ngả trước "tài" suy diễn của thí sinh nọ.
Thầy Văn Ngọc Thành (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, nhiều thí sinh chỉ nắm được kết quả mà không nhớ các chi tiết trong diễn biến lịch sử nên bịa: "Quân ta thế này, quân ta thế kia. Rồi địch rút lui". Sau một hồi lan man, dông dài thí sinh khẳng định: "Ta thắng, địch thua".
Môn Văn cũng nhiều tình huống khiến giám khảo cười ra nước mắt. Thầy Đinh Văn Thiện, phó chủ nhiệm khoa Văn, thư ký hội đồng khoa Văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội kể lại, tại một trường thi, cả hội đồng đã bất ngờ khi một thí sinh đã mặc định từ "đồng chí" là những người cộng sản.
Từ việc hiểu sai nghĩa, thí sinh này khẳng định: "Huấn Cao (truyện Chữ người tử tù) là một người đảng cộng sản kiên cường". Thí sinh tiếp tục "tán": "Những người cộng sản như Huấn Cao và các đồng chí của ông kiên cường chống Pháp". Đọc đến đây, cả hội đồng cười nghiêng ngả, có thầy còn đùa: "Thiếu mỗi chi tiết Huấn Cao đi họp chi bộ nữa thôi".
Nói về lỗi sai trên, thầy Thiện lý giải vì thí sinh đã không hiểu từ và không nắm vững hoàn cảnh sáng tác nên có những nhầm lẫn tai hại. "Thậm chí có em còn hồn nhiên dịch chuyển thời gian sáng tác tập thơ "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu vào khoảng thời gian… 1937- 1946.
Nhiều thí sinh đang say sưa nói về Mị lại kể về nhân vật Đào. Chưa hài lòng, thí sinh này "cho" cả Nguyệt vào trong bài. Thế là, trong một bài viết có sự tổng hòa ba nhân vật ở các tác phẩm khác nhau, Mị (Vợ chồng A Phủ), Đào( Mùa lạc) và Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng).
Theo thầy Hà Văn Đức, Chủ nhiệm khoa văn, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, năm nay số bài đạt điểm 8 trở lên ít hơn năm ngoái. Cũng theo thầy Đức, những lỗi về chính tả, lỗi diễn đạt lan man là "muôn thuở, không năm nào tránh khỏi". Còn thầy Đinh Văn Thiện nhận định để đạt điểm tốt môn Văn không khó. "Thí sinh không cần nói cao siêu, chỉ cần nói đúng vấn đề, hiểu tư tưởng của tác phẩm và không dập khuôn công thức theo văn mẫu là có thể đạt điểm cao", thầy Thiện cho biết.
Hoàng Lan