Khác với các môn văn hóa, thí sinh thi năng khiếu thường lỉnh kỉnh với những đồ nghề riêng của mình. Chuyên ngành âm nhạc phải mang theo đàn, nón quai thao, đồ trang điểm; ngành hội họa có bút lông, que đo, bút chì, bột màu, tẩy, băng dính; ngành nhiếp ảnh có máy ảnh, chân máy, hắt sáng...
Tại khoa Giáo dục mầm non (CĐ Sư phạm Trung ương), thí sinh phải đọc và kể lại diễn cảm theo câu chuyện mình bốc thăm được. Theo giám thị Trịnh Hồng Dương, giảng viên tổ Văn - Tiếng Việt của trường, một phòng có 47 thí sinh thì chỉ khoảng 3-4 em biết cách kể chuyện theo đúng ngữ điệu. "Nhiều thí sinh vẫn chưa phân biệt được kể và đọc khác nhau thế nào", cô Dương nói.
Thi năng khiếu hát tại CĐ Sư phạm Trung ương. Ảnh: Hoàng Lan.
Đặc biệt, có trường hợp thí sinh bốc được câu chuyện có tình tiết "giọt nước tí xíu trả lời nhẹ lắm". Thay vì diễn cảm nhẹ nhàng, thí sinh lại kể với giọng quát mắng khiến giám khảo cũng phải giật mình và hỏi lại: "Nhẹ lắm" mà sao em quát to thế"?
Thi hát, nhiều thí sinh... run đến mức quên hết kiến thức. Khi giám khảo hỏi: "Bài hát 'Làng tôi' của ai thế em"? Thí sinh hồn nhiên: "Dạ, của... Nam Cao ạ". Thậm chí, đang hát bài "Dòng máu Lạc Hồng", thí sinh chợt quên lời, lắp bắp. Sau một hồi, giám khảo nhắc nhở: "Hát đi em, sao lại vừa hát, vừa... dò mìn thế kia?"
Khác với thí sinh thi mầm non, sĩ tử thi ngành Nhiếp ảnh (ĐH Sân khấu Điện ảnh) được phát một cuộn phim để về tận chùa Trầm (Hà Tây) chụp ảnh. Đối với nhiều thí sinh, khoảnh khắc đóng vai trò rất quan trọng. Đi lang thang cả buổi trưa, Thanh Phương chợt thấy cảnh cả gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm ấm cúng.
Cô vừa xin phép chụp thì chủ nhà vội nói: "Chờ bác mặc cái áo vào đã nhé". Phương bấm bụng chụp nhưng cô biết bức ảnh đã "mất đi vẻ tự nhiên mất rồi". Rút kinh nghiệm, lần sau, thấy cô gái đang nhặt rau muống trông rất vô tư, cô vội đưa máy lên chụp tức thì. Xong xuôi hết, cô mới bẽn lẽn: "Xin phép cho em chụp chị". Biết cô gái không vui nhưng để có bức ảnh đẹp Phương đành mang tiếng "bất lịch sự".
Thí sinh thi vẽ tại ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. Ảnh: Hoàng Lan. |
Trước giờ thi năng khiếu, sân ĐH Văn hóa Hà Nội đã rộn ràng tiếng đàn, hát của các sĩ tử. Nhiều phụ huynh nhắc nhở con em: "Nói ít thôi, kẻo rát cổ" nhưng các thí sinh vẫn "líu lo" chuẩn bị cho tiết mục của mình.
"Các đồ lạnh, cay, chát như cà pháo, đá đều phải tránh xa… hàng km. Trước khi thi mà bị hắt hơi, sổ mũi là coi như "xong". Ngoài ra, để nhận rõ nhịp phách, em còn phải nghe thể loại Rock và Dance với mức âm thanh to hết cỡ", thí sinh Đỗ Hoài chia sẻ.
Càng gần đến ngày thi, áp lực dồn lên sĩ tử càng lớn. Tập hát mọi lúc mọi nơi khiến Diệu Thùy (thi ngành Quản lý văn hóa, ĐH Văn hóa) bị ám ảnh cả trong giấc mơ. "Có lúc đang ngủ em hát rống lên "Mùa hoa Lêkima nở..." khiến mấy đứa bạn cùng phòng trọ giật mình thức giấc giữa đêm", Thùy cười.
Môn năng khiếu của ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, thí sinh phải thi bố cục màu và hình họa trong vòng 6 tiếng. Nếu môn bố cục màu thí sinh thường "lăn lê bò toài" dưới đất thì môn hình họa các em lại phải đứng để tránh trường hợp vẽ hộ cho nhau.
"Đề thi" của môn hình họa chính là nam thanh niên cởi trần mặc quần đùi ngồi trên ghế Xuân Hòa. Cứ sau 45 phút, mẫu lại được nghỉ 15 phút. Tuy nhiên, sau thời gian nghỉ, các mẫu thường để chân tay không chính xác như lúc đầu nên thí sinh thường hô to: "Anh ơi, chân anh ơi!"... "Anh ơi, tay để sai kìa"... Cá tính và bạo dạn, có nữ sinh còn xông thẳng lên mẫu, chỉnh lại chân tay cho "đúng vị trí ban đầu" để cho dễ vẽ.
Tuy nhiên, theo Trưởng khoa Thời trang ĐH Mỹ thuật công nghiệp Vũ Chí Công, "Vẽ giống da giống thịt" chưa chắc đã đỗ. "Hiểu, bắt được cái hồn của nhân vật để diễn tả cấu trúc và tạo ra bố cục đẹp mới là điểm cốt lõi của vấn đề. Để làm được điều này, thí sinh phải có quá trình ôn luyện nghiêm túc”, thầy Công nhận định.
Hoàng Lan