Có mặt tại trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam sáng 4/6, trong bộ vest tối màu, caravat đỏ và nụ cười thường trực, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có cuộc hội đàm kéo dài gần một giờ rưỡi với người đồng cấp Việt Nam.
Tại buổi họp báo do 2 Bộ trưởng chủ trì, ông Panetta cảm ơn phía Việt Nam đã tạo điều kiện để ông thăm Cam Ranh. Cuộc viếng thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến vịnh kể từ sau chiến tranh được ông Panetta đánh giá là “một trải nghiệm đầy cảm động”. "Cam Ranh là vịnh quan trọng. Trong quá trình cải tạo, nếu Việt Nam có nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ thì Mỹ sẵn sàng", ông nói.
*Ảnh: Bộ trưởng Leon Panetta tại Hà Nội |
Nhắc đến cột mốc 17 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, ông Panetta cho rằng, cuộc gặp hôm nay thể hiện sự hợp tác, mức độ tiến bộ trong việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa hai nước - một quan hệ được xây dựng trên lòng tin và sự hiểu biết.
“Tôi đã lưu ý trong thảo luận hai bên nên thiết lập một văn phòng điều phối hợp tác. Nó sẽ thúc đẩy quan hệ hai bên, gửi đi tín hiệu Mỹ cam kết lâu dài vào mối quan hệ quốc phòng Mỹ và Việt Nam”, ông Panetta nói.
Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Leon Panetta khẳng định, mục đích căn bản của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là cải thiện cơ hội hòa bình, an ninh, thịnh vượng cho khu vực. Mỹ mong muốn làm việc với tất cả các nước, kể cả Trung Quốc để cải thiện quan hệ giữa quân đội các nước với nhau, giúp gia tăng khả năng của từng nước để tự bảo vệ, duy trì an ninh cho mình.
"Điều cốt lõi để thực hiện điều đó là chúng ta có những quy định, nguyên tắc, luật pháp quốc tế căn bản. Nếu các nước cùng tuân thủ những nguyên tắc, quy định, luật pháp quốc tế căn bản đó thì chúng ta sẽ đạt mục tiêu xây dựng một khu vực tốt đẹp hơn, an ninh hơn", ông Panetta khẳng định.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tiếp ông Leon Panetta tại trụ sở Bộ Quốc phòng sáng 4/6. Ảnh: Nhật Lam. |
Trả lời câu hỏi về những lo ngại mất ổn định khu vực, khi Mỹ vừa tuyên bố chiến lược chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Panetta nói: "Chắc chắn chúng ta sẽ có sự ổn định nếu có một Việt Nam hùng mạnh hay Indonesia, Philippines và các nước trong khu vực hùng mạnh". Ông nói thêm, Mỹ muốn thúc đẩy độc lập, chủ quyền của các nước trong khu vực vì đó chính là lợi ích của sự ổn định.
Theo ông Panetta, bên cạnh 2 cường quốc là Mỹ và Trung Quốc thì sự mất ổn định sẽ diễn ra nếu khu vực chỉ có nhóm những nước yếu. Để có tương lai ổn định, thịnh vượng, nhân dân các nước trong khu vực sống tốt đẹp thì điều quan trọng phải bảo đảm các nước phát triển năng lực, kinh tế, thương mại. Điều đó sẽ đem các nước xích lại với nhau chứ không phải đẩy nhau cách xa. "Đó là mục đích của Mỹ và là lý do vì sao tôi có mặt ở Việt Nam", ông Panetta nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của tờ Wall Street Jounal về việc "các nước châu Á nếu buộc phải lựa chọn có quan hệ "thân" với Mỹ hơn thì có tạo ra sự khiêu khích đối với Trung Quốc và làm thay đổi quan hệ tương đối hiện nay hay không?", Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, đường lối đối ngoại của Việt Nam là giữ độc lập, tự chủ, hoàn toàn không lệ thuộc vào bên ngoài. Với tinh thần muốn làm bạn, đối tác tin cậy của các nước, Việt Nam quan hệ tốt với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, trong đó xác định quan hệ với Trung Quốc và quan hệ với Mỹ là quan hệ ổn định, hợp tác lâu dài.
"Việt Nam không đi với nước này để chống lại nước khác. Đối với Trung Quốc, Việt Nam xác định là đối tác hợp tác toàn diện theo tinh thần 16 chữ, 4 tốt. Với Mỹ, chúng tôi mong muốn quan hệ hợp tác quốc phòng hữu nghị, ổn định, toàn diện vì lợi ích chung của hai nước", ông Thanh nói.
Theo ông Panetta, khu vực châu Á - Thái Bình dương sẽ ổn định nếu các nước trong khu vực đều hùng mạnh. Ảnh: Nhật Lam. |
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Panetta, hai bên đã trao đổi “thẳng thắn cởi mở vấn đề cùng quan tâm, về hợp tác quốc phòng song phương giữa hai nước”. Bộ trưởng Thanh cho hay, hiện Mỹ mới chỉ bỏ cấm vận mua các loại vũ khí phi sát thương với Việt Nam, còn các loại vũ khí sát thương chưa được dỡ bỏ. Việt Nam mong muốn Mỹ sẽ sớm bỏ lệnh cấm này vì mục đích bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước.
“Chúng tôi có nhu cầu mua một số loại vũ khí trang bị trước hết để sửa chữa, bảo quản, nâng cấp các loại vũ khí chúng tôi thu được trong chiến tranh. Sau đó, nếu khả năng tài chính cho phép, chúng tôi sẽ lựa chọn mua những loại trang bị vũ khí phù hợp yêu cầu”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, Việt Nam hoan nghênh các tàu hậu cần, kỹ thuật của Mỹ đến sữa chữa ở các cảng thương mại, các cảng của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Theo kế hoạch, chiều 4/6, Bộ trưởng Leon Panetta sẽ đến chào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chuyến thăm của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ tới Việt Nam kết thúc vào ngày 5/6.
Tại cuộc hội đàm sáng nay, hai bên đã trao đổi tiếp tục hợp tác trong tương lai; thảo luận cải thiện việc thực hiện biên bản ghi nhớ 2011 để thúc đẩy quan hệ quốc phòng hai nước; thảo luận cách thức Mỹ làm việc với Việt Nam thông qua nhóm đối thoại của Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN về cải thiện quyền hàng hải của các bên liên quan. Hai bên thảo luận về cam kết chung xây dựng khu vực châu Á hòa bình, thịnh vượng, an ninh. Theo đó, hai bên nhất trí tập trung nỗ lực vào 5 lĩnh vực trọng tâm, tiếp tục đối thoại cấp cao; an ninh hàng hải; các hoạt động tìm kiếm cứu nạn; hoạt động gìn giữ bảo vệ hòa bình, trợ giúp nhân đạo cũng như cứu trợ thảm họa. |
Nguyễn Hưng