Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở đê sông Hồng, UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã thành lập đoàn công tác và kết luận đây là hiện tượng sạt trụt ngồi. Nhà cửa, đồ đạc không bị trôi ra sông mà bị vùi sâu dưới lớp đất cát.
*Ảnh Tan hoang sau vụ sạt lở |
Tại hiện trường, toàn bộ bãi thượng lưu tại tuyến đê Hữu Hồng, kè Hồng Hậu (Sơn Tây) từ K29+850 đến K30+050 với chiều dài khoảng 200 m chỉ còn là một mớ hỗn độn. Những cồn cát bị sụt xuống, nuốt gọn những ngôi nhà chỉ còn dấu tích là các mái che. Những thanh sắt vốn là một phần của nhà xưởng trơ khung, lăn lóc mỗi nơi đoạn. Đỉnh cung sạt cách chân đê khoảng 30 m thuộc bãi chứa vật liệu của ba gia đình bà Lê Thị Hồng Vân, ông Nguyễn Văn Ngọc và ông Khuất Ngọc Quang.
Ông Nguyễn Văn Ngọc kể lại, khoảng 5h30 sáng 18/10, lúc ông đang ngủ thì nghe tiếng động nhà bên cạnh. Khi căn nhà đó gãy nền và đổ sụp xuống, ông còn mơ màng tưởng là... mưa đá. Đến lúc một bên tường nhà mình sập xuống thì ông mới bừng tỉnh và hốt hoảng tìm cách tháo thân.
"Lúc đó hệ thống điện bị chập nên phát ra tiếng roẹt roẹt, cả căn nhà rung chuyển. May mà giường ngủ cao nên tôi đứng dậy đấm thủng tấm ngói xi măng trên mái nhà và chui ra ngoài", ông Ngọc vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại.
Tất cả đồ đạc trong nhà ông Ngọc bao gồm xe máy, tivi, ba máy hút, máy bơm cát, một máy xúc, hai khẩu băng chuyền... đã yên vị dưới đống đất. Bà Lê Thị Lan, vợ ông Ngọc, nói: "Phải tự cứu lấy mình thôi. Chúng tôi đang cho máy xúc vào xúc cát tìm đồ, được bao nhiêu hay bấy nhiêu".
Đất sụt sâu, nứt toác nuốt gọn đồ đạc và nhà xưởng. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Nằm xiêu vẹo bằng sức chống đỡ của hàng chục thùng phi và cây chống, căn nhà của ông Khuất Ngọc Quang đã lung lay. Một mặt tường bị đổ xuống hố sụt sâu hàng chục mét. Nền nhà gãy nát, đồ đạc nghiêng ngả.
Thời điểm xảy ra vụ sạt lở, trong nhà ông đang có 6 công nhân ngủ. Hai chiếc giường thì một chiếc đã bị vùi xuống lớp đất sâu. Những công nhân cho biết, hiện tượng sụt xảy ra từ từ nên họ mới có thời gian gọi nhau chạy ra ngoài, nếu diễn ra nhanh thì chắc đã bỏ mạng.
Thiệt hại nhiều nhất là hộ bà Lê Thị Hồng Vân. Theo thống kê sơ bộ của đoàn công tác thì ngoài 1/3 bãi cát vàng dài 50 m, rộng 70 m của gia đình thì 1/2 căn nhà 10 m2 đã bị sạt cùng một tivi, 6 khẩu băng chuyền, 6 mô tơ băng chuyền, một máy phát điện, một máy xúc.
Ông Nguyễn Quang Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định là các hộ dân tự ý kinh doanh cát sỏi, chất tải cát lên đỉnh kè và bãi thượng lưu với số lượng quá lớn. Mặt khác đây cũng là địa điểm bị dòng chảy mạnh áp sát làm sạt lở trôi mất chân kè.
Theo lời ông Sơn, thị xã đã có buổi làm việc với đại diện UBND thành phố Hà Nội và đề ra giải pháp khoanh vùng sạt lở, cấm người dân vào đề phòng nguy hiểm và đưa máy móc di chuyển tài sản của các hộ dân ra ngoài.
Nhà cửa đổ nát, tan hoang. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Bà Bùi Thị Minh Hiền, Phó phòng Tài nguyên môi trường thị xã cho biết, trên tuyến đê Sơn Tây dài 5,4 km chỉ có một công ty được cấp phép hoạt động. Song địa bàn phường Phú Thịnh đã có 9 hộ gia đình với 11 bãi cát hoạt động thường xuyên.
Đoạn đê Sơn Tây được xây dựng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn phòng chống lũ của hệ thống sông Hồng, có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho thủ đô Hà Nội. Vị trí sụt lở là đoạn kè qua phường Phú Thịnh, một bên là bãi bồi thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, một bên là bãi bồi thuộc thị xã Sơn Tây. Đây là bãi bồi rộng tới hàng trăm mét, điểm sụt sâu vào bãi khoảng 80 m.
"May mắn là thời điểm này nước trên sông không cao, nếu mực nước ở sông như thời điểm có bão thì hậu quả không thể nào lường hết được", ông Sơn nói.
Hoàng Thùy