Sáng 23/2, Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án Cửu Long (Công ty Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải) đã công bố kế hoạch thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Thẻ thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Ảnh: Hữu Công. |
Theo công ty này, quy trình thu phí đường cao tốc lần đầu tiên được áp dụng trên hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam. Cụ thể, khi bắt đầu vào đường cao tốc, tài xế sẽ dừng lại tại cabin của trạm thu phí và được nhân viên phát vé (dạng thẻ từ, không phải bán vé như các trạm khác). Trên vé có ghi thông tin về địa điểm, mã trạm ngõ, loại xe.
Khi ra khỏi đường cao tốc, tài xế xuất trình vé đã nhận tại điểm vào. Máy sẽ kiểm tra và xác định số kilômet mà phương tiện đã lưu thông, đồng thời tính tiền, in chứng từ thanh toán. Tài xế thanh toán tiền xong, nhận chứng từ và trả lại vé cho nhân viên thu phí.
Ông Lê Đức Tuân, Chánh văn phòng công ty Cửu Long cho biết để tổ chức hiệu quả công ty đã bố trí 162 nhân viên, phục vụ tại 4 trạm thu phí với 3 ca liên tục. Ban đầu sẽ bố trí thử nghiệm trong 3 ngày (22-24/2) theo đúng quy trình, nhưng không thu tiền để rút kinh nghiệm và kiểm tra hệ thống thiết bị. Từ 8h ngày 25/2, công ty sẽ chính thức thu phí các phương tiện.
Theo ông Nguyễn Văn Nghiêm, Giám đốc công ty TNHH MTV sửa chữa cầu đường 715 (đơn vị được giao thu phí đường cao tốc), qua thử nghiệm đánh giá, thời gian đầu vào của mỗi xe là 3-5 giây, đầu ra thì do phụ thuộc nhiều yếu tố như trả lại tiền thừa, thời gian đưa thẻ của lái xe nên mất từ 10 đến 15 giây nữa. Vì vậy, tổng cộng thời gian đóng phí chỉ mất chưa đầy nửa phút nên khả năng xảy ra ùn tắc, kẹt xe trên cao tốc do việc đóng phí là rất thấp.
Theo ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc công ty Cửu Long, các nhà thầu đã khắc phục 70% các điểm hư hỏng, sụt lún trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, đến trước tháng 4 tới tuyến cao tốc sẽ được khắc phục hoàn toàn. Ảnh: An Nhơn. |
Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Công ty Cửu Long cho biết, sau khi đường cao tốc được đưa vào khai thác tạm thời không thu phí từ 3/2/2010, thống kê trung bình mỗi ngày đêm có 50.000 xe (quy đổi ra xe tiêu chuẩn dưới 12 chỗ) lưu thông qua, còn quốc lộ 1A chỉ còn khoảng 10.000 xe. Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, tai nạn và ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1A đã giảm đáng kể trong 2 năm qua. Tuy nhiên, khi bắt đầu áp dụng thu phí đường cao tốc, chắc chắn các phương tiện, nhất là xe siêu trường, siêu trọng như container sẽ "né" bằng cách đi vòng qua quốc lộ 1A để khỏi đóng phí.
"Để giải quyết, công ty sẽ xây dựng trạm thu phí trên quốc lộ 1A, tại km1953+200 thuộc phường Tân Khánh và Khánh Hậu, TP Tân An, tỉnh Long An để hỗ trợ thu phí hoàn vốn cho đường cao tốc và điều tiết lưu lượng xe giữa đường cao tốc và quốc lộ 1A. Đề án xây dựng trạm thu phí này đã được Thủ tướng chấp nhận", ông Minh cho biết.
Cũng theo ông Minh, việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1A không phải là "tận thu", mà mục tiêu đầu tiên là để quản lý phương tiện lưu thông trên 2 tuyến cao tốc và quốc lộ 1A, ngoài ra còn để đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu mặt đường cho quốc lộ.
"Đoạn đường từ Bình Chánh đến Trung Lương qua quốc lộ 1A dài 51 km, còn cao tốc sẽ là 40 km. Tuy chỉ hơn 11 km, nhưng các phương tiện sẽ phải tốn thêm từ 27.000 đến 30.000 đồng tiền nhiên liệu so với 40.000 đồng tiền phí cao tốc. Ngoài ra, nếu đi cao tốc sẽ tiết kiệm được hơn 30 phút so với đi theo quốc lộ 1A. Vì vậy, người dân có thể tự do lựa chọn lộ trình cho mình", ông Minh phân tích.
Về công tác sửa chữa khắc phục các điểm hư hỏng, sụt lún trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, ông Minh cho biết hiện nhà thầu đã khắc phục được 70% nên các xe đã có thể lưu thông an toàn. Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, còn khoảng 30% nữa sẽ được xử lý dứt điểm trước tháng 4 tới.
Theo mức phí đã được Bộ Tài chính chấp thuận, các phương tiện khi lưu thông qua cao tốc TP HCM - Trung Lương sẽ phải đóng mức phí như sau: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng có mức phí 10.000-40.000 đồng. Xe từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe có trọng tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có mức phí 15.000-60.000 đồng. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có trọng tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 22.000-88.000 đồng. Đối với xe có trọng tải từ 10 đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet sẽ phải nộp 40.000-160.000 đồng. Từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet mức phí là 80.000-320.000 đồng. Cao tốc TP HCM - Trung Lương dài gần 62 km, tổng vốn đầu tư là 9.800 tỷ đồng. Với mức thu như trên, Tổng công ty Cửu Long tính toán sẽ có thể hoàn vốn đường cao tốc sau 25 năm. Trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương sẽ có 4 trạm ra, vào để thu phí gồm: Chợ Đệm, Bến Lức, Tân An, Thân Cửu Nghĩa. |
Hữu Công