Theo đó, để hạn chế tối đa tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến cao tốc, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ rà soát hệ thống các biển báo hiệu đường bộ, đồng thời điều chỉnh hợp lý hơn.
Nhiều vụ tại nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Ảnh: Kiên Cường. |
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các phương tiện giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật theo quy định tham gia trên đường cao tốc và phải có biện pháp xử lý, giải tỏa ách tắc giao thông khi có tai nạn xảy ra.
Theo số liệu Trung tâm Quản lý đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, tính đến ngày 20/6, đã có 6.675 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường này làm 18 người chết và hàng chục người bị thương. Phần lớn các vụ tai nạn đều xảy ra ban đêm. Nguyên nhân là do nổ lốp, xe chạy quá tốc độ, không giữ đúng khoảng cách quy định, lái xe ngủ gật…
Đường ôtô cao tốc TP HCM - Trung Lương nối TP HCM với các tỉnh Long An, Tiền Giang, có 4 nút giao để xe ra vào: chợ Đệm, Bến Lức, Tân An, Thân Cửu Nghĩa. Chiều dài tuyến khoảng 60 km, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của Việt Nam dành cho xe cơ giới, xe chạy hai chiều riêng biệt, chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương được thông xe khai thác tạm thời từ ngày 3/2, góp phần kích thích các hoạt động giao thương giữa TP HCM và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường này đã rút ngắn khoảng thời gian đi từ TP HCM về Tiền Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khoảng trên một giờ đồng hồ.
Hữu Công