Theo ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó giám đốc Sở Xây dựng, toàn thành phố đã tồn tại 172 trường hợp nhà không đủ tiêu chuẩn xây dựng. Các trường hợp này xuất hiện sau khi giải phóng mặt bằng. Khi phần diện tích còn lại không hợp lý song do trình độ người dân chưa cao, cố tình vi phạm trật tự xây dựng, chính quyền lại không xử lý kiên quyết, triệt để, không ngăn chặn được những trường hợp xây dựng không đúng quy định. Theo thống kế, hiện có 84 trường hợp siêu mỏng xây dựng trước năm 2005 và 95 trường hợp xây dựng sau năm 2005.
Tuy nhiên, số liệu báo cáo của các quận huyện lại vượt xa số thống kê của cơ quan quản lý chuyên ngành, lên tới gần 300 trường hợp. Các quận như Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình là nơi có số lượng nhà siêu mỏng, siêu méo lớn nhất.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho hay, quận có 108 nhà hình thù kỳ dị và đã xóa được 36 nhà, số còn lại đều được xây dựng kiên cố 3-4 tầng, phần lớn tại nút giao Thanh Xuân, Khuất Duy Tiến. Ngoài ra, có 8 ngôi nhà ở nút giao Ngã Tư Sở đã được xây rất đẹp. Theo ông Thái, trước khi thu hồi đất các nhà siêu mỏng cần dựa trên chỉ giới đường đỏ, sau đó có thể sử dụng làm kiốt bán báo hoặc bán vé xe buýt, không khả thi nếu trồng cây xanh.
Tại nút giao thông Thanh Xuân, ngôi nhà hình thang này có tầng một chưa đầy 10m2, nhưng các tầng đua ra chiếm khoảng không khá lớn, cao tới 3 tầng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Lâm Anh Tuấn, Phó chủ tịch quận Hai Bà Trưng cho biết, nhà siêu mỏng xuất hiện có trên 2 tuyến phố. Đó là Lê Thanh Nghị với 11 trường hợp; chân cầu Vĩnh Tuy có 14 trường hợp.
Theo ông Tuấn, nhà siêu mỏng xuất phát từ quy định của nhà nước là với trường hợp không đủ xây dựng thì khuyến khích người dân hợp khối cho hộ bên cạnh nên dân viện cớ này để không chấp thuận giải tỏa. Tuy nhiên, sau đó, khi giá đất tăng lên rất nhiều thì ép nhau không thể hợp khối được. Vì vậy cần có quy định là những thừa đất sau khi cắt xén thu hồi hết.
Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng hứa hẹn, nếu thành phố cho phép thu hồi đất các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo thì quận Hai Bà Trưng sẽ triển khai ngay.
Quận Ba Đình cũng có 44 trường hợp nhà siêu mỏng, nằm trên tuyến đường Kim Mã, Văn Cao, Liễu Giai. Theo ông Nguyễn Thế Công, Phó chủ tịch quận, nhức nhối nhất là 10 ngôi nhà siêu mỏng ở đường Đào Tấn cao 3-4 tầng. Còn lại hầu hết là cấp 4 sau khi giải hóng mặt bằng giữ nguyên hiện trạng.
Lãnh đạo các quận huyện đưa ra những mảnh đất có hình thù kỳ dị, rất khó quản lý sau khi thu hồi. Ông Thái Văn Hạ, Phó chủ tịch quận Tây Hồ cho biết, tại đường Lạc Long Quân có 1 thửa đất chiều dài 300m, ngang chỉ 2m, quận đã quản lý chặt để dân không xây dựng, với mảnh này đề xuất với thành phố cho làm các kiốt cho thuê. Hay lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết, có nhiều mảnh đất dài 2m, rộng 1-2m tạo thành răng cưa, rất khó sử dụng nếu tất cả làm bảng tin, bán hợp khối thì có giá hàng trăm triệu nên không có ai mua.
Theo ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, việc sử dụng các mảnh đất sau thu hồi không khó, mà cái khó ở đây là phải thu hồi được những mảnh đất siêu mỏng, siêu méo. Thành phố sẽ có cơ chế chính sách sử dụng đất sau khi thu hồi, nêu có trường hợp phát sinh sẽ xử lý nghiêm.
Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các quận huyện thống kê, rà soát lại sự tồn tại nhà siêu mỏng siêu méo và mảnh đất hình học không phù hợp so với quy phạm tiêu chuẩn xây dựng. Sau đó, các quận, huyện đánh giá, lập phương án giải phóng mặt bằng nhà đất tồn tại trên địa phương mình. Với những trường hợp xây dựng trước 2005 thì sẽ vận động người dân dỡ bỏ, thành phố sẽ đền bù. Còn trường hợp xây dựng từ sau 2005 sẽ ứng xử bằng phương pháp áp giá thu hồi đất theo chính sách giải phóng mặt bằng.
“Đây là vấn đề khó và kiên quyết phải làm. Năm 2005 thành phố đã có quy định thu hồi cả đất dẹt khi giải tỏa, song một phần lỗi là của quận huyện đã không thực hiện nghiêm túc. Không thể nói là do lịch sử để lại, chúng ta kế nhiệm phải tiếp nhận thành quả cũng như hậu quả của người đi trước đã làm. Từ nay thành phố sẽ cương quyết xử lý nhà siêu mỏng hơn nữa”, ông Phí Thái Bình nói.
Đoàn Loan