Mở đầu buổi chất vấn tại HĐND thành phố Hà Nội sáng nay, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Văn Hải đã báo cáo những khó khăn khi triển khai dự án xây dựng 2 tuyến đường song song với việc mở đường chính. Nội dung này được đưa vào nghị quyết 09 của HĐND Hà Nội cách đây 10 năm, mục đích là tạo mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, nó đã không được thực hiện, hệ quả là nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện khắp các tuyến đường.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng những lý do Giám đốc Hải đưa ra thiếu thuyết phục, ví dụ thiếu nguồn lực thì có thể tạo ra từ giá trị đất hai ven đường, hay khó thu hồi đất cũng không hợp lý vì nhiều dự án làm đường vẫn thu hồi được. "Chúng ta trả giá cho đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, cầu Vĩnh Tuy rất đắt. Sau 10 năm, UBND có đánh giá lại hay yêu cầu HĐND bỏ nghị quyết 09 này không?", ông Nam nêu câu hỏi.
Đại biểu Trần Trọng Hanh: "Không thể xóa nhà siêu mỏng như các đồng chí hô khẩu hiệu". Ảnh: Nhật Nam. |
Đại biển Ngô Văn Ny nhận xét, vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện từ rất lâu song chưa thể giải quyết được. Dẫn lại một chương trình truyền hình, trong đó Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng Đà Nẵng có thể, song Hà Nội thì không thể xóa nhà siêu mỏng, siêu méo, ông Ny cho rằng lãnh đạo phát biểu như vậy là thiếu trách nhiệm.
Đại biểu Đào Xuân Mùi cũng cho rằng, 6 nguyên nhân UBND thành phố nêu ra đều chưa thỏa đáng. Theo ông, với mục tiêu tái định cư tại chỗ, tăng nguồn thu ngân sách, tạo công bằng chung thì dự án xây dựng 2 bên đường có thể thực hiện. "UBND thành phố đánh giá như thế nào về vai trò của nghị quyết và trách nhiệm của UBND? Thời gian qua đã có hội nghị và đề xuất nào để thực hiện nghị quyết chưa?", đại biểu Mùi nêu câu hỏi.
Lần đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, song Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Văn Hải không tỏ ra lúng túng. Ông cho biết, từng làm thiết kế đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, tham gia khảo sát xã hội học, thiết kế từng khối nhà ven dường, tuy nhiên do không có sự đồng thuận của dân và tình hình bất động sản không sôi động như hiện nay nên dự án không thực hiện được.
Theo ông Hải, đã có nhiều cuộc họp, quy định giải quyết về nhà siêu mỏng, siêu méo từ năm 1998, nhiều thống kê, kiểm tra đề xuất xử lý, tuy nhiên chưa giải quyết triệt để tình trạng này.
Trả lời đại biểu Ny, Giám đốc Hải khẳng định, Hà Nội chắc chắn xử lý được nhà siêu mỏng, siêu méo. "Tôi xin hứa với các đại biểu HĐND là chúng ta sẽ làm được. Có thể lãnh đạo Sở trong quá trình phỏng vấn có lúng túng nên trả lời không chính xác", ông Hải giải thích đồng thời đưa ra các biện pháp, như: sẽ ban hành quy định quản lý kiến trúc hai bên tuyến đường trong quý 1/2011; tuyên truyền vận động người dân đồng thuận với chủ trương của thành phố...
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc: Hà Nội sẽ xử lý được nhà siêu mỏng. Ảnh: Nhật Nam. |
Chưa thỏa mãn với phần trả lời của lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc, đại biểu Trần Trọng Hanh cho rằng những nguyên nhân dẫn đến nhà siêu mỏng, siêu méo mà UBND thành phố đưa ra đều không chính đáng. Từ những năm 1990 với đầy đủ văn bản pháp lý, quyền có trong tay song thành phố không làm.
"Dân không đồng tình vì giá thấp song nơi này làm được, nơi kia không làm được. Tôi nghĩ không bao giờ xóa được nhà siêu mỏng mặc dù lãnh đạo Sở khẳng định làm được. Có sai thì nên nhận, không nên né tránh", ông Hanh gay gắt.
Đại biểu Phạm Hoài Nam tái chất vấn đề nghị cho biết thành phố có quyết tâm thực hiện nghị quyết 09 hay không. Còn đại biểu Nguyễn Việt Hưng thẳng thắn: "Tôi không thỏa mãn câu trả lời của Giám đốc Sở, bởi trả lời không đúng. Mặc dù qua 3 đời chủ tịch UBND vẫn không thực hiện được thì phải kiểm điểm không nghiêm túc thực hiện nghị quyết HĐND".
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Văn Hải trả lời, trước đây cũng tham gia thiết kế quy hoạch, mở đường Kim Liên. Khi đó, nguồn lực của thành phố chỉ đủ làm đường, có huy động doanh nghiệp tham gia, song không tìm được. Sau đó, Sở cùng quận Đống Đa làm quy hoạch quản lý hai bên tuyến đường, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn tồn tại vấn đề nhức nhối như đại biểu nêu.
Tiếp tục vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, đại biểu Phạm Thị Loan chất vấn: "Tại sao thành phố chưa giải quyết triệt để tình trạng này? UBND thành phố có dự định giải quyết triệt để không và bao giờ thì hoàn thành?".
Phó chủ tịch Phí Thái Bình: "Chúng tôi có đầy trách nhiệm quản lý thủ đô". Ảnh: Nhật Nam. |
Vì nhiều câu hỏi vượt thẩm quyền của Sở Quy hoạch Kiến trúc, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Phí Thái Bình đã đăng đàn giải trình. Ông Bình cho biết, nhà siêu mỏng, siêu méo là tồn tại do lịch sử. Khi mở tuyến đường Kim Liên, ông và Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị đều chưa về thủ đô. Sau này ông thấy nguyên Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu giải thích là xây đường Kim Liên vì vấn đề giao thông, còn lại sẽ chỉnh trang sau.
Theo ông Phí Thái Bình, trước năm 2005 nhà siêu mỏng được phép tồn tại do chưa có Luật quy định, hiện toàn thành có 87 trường hợp dạng này. Sau 2005, dù có quy định song quận, huyện làm chưa tốt nên đã có 86 trường hợp vi phạm. Đây là do công tác quản lý yếu của quận huyện. Tuy nhiên, thành phố sẽ kiên quyết xử lý, dựa vào nguồn lực để làm từng bước.
"Trong suy nghĩ, chúng tôi có đầy trách nhiệm trong quản lý thủ đô, song có nhiều cái khó từ lịch sử, nếu vài năm trước được HĐND sâu sát tỷ mỉ như thế này thì sẽ hiệu quả hơn. Với nhà siêu mỏng, siêu méo, tôi rất đau xót. Tôi khẳng định là xử lý được, mặc dù cái gì làm ở Hà Nội cũng khó hơn. Như Đà Nẵng có giá đất thấp hơn chúng ta, sự đồng tình của dân tốt hơn. Song không phải Hà Nội là không làm được. Nhà mỏng, nhà méo sẽ phải xử lý được", ông Bình khẳng định.
Đoàn Loan