Dù nhiều lần được đại biểu đóng góp ý kiến trong các kỳ họp trước, nhưng chiều 22/3 dự thảo Luật Thủ đô vẫn nhận được không ít ý kiến băn khoăn.
Là đại biểu Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Đào ủng hộ việc ban hành luật, nhưng thừa nhận đây là luật khó nhất trong các luật, cần bàn thảo kỹ hơn để tránh băn khoăn khi thông qua. Ông Đào cho rằng cần cân nhắc khi ban hành luật này có làm mất đi tính thống nhất của hệ thống luật pháp.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc K'sor Phước cho hay dự án Luật thủ đô hiện động chạm tới trên dưới 12 luật đã được ban hành nên chính ông cũng thấy rất lúng túng. "Tôi không rõ những bộ luật đó được áp dụng ở thủ đô ra sao? Có hiệu quả hay phải sửa đổi? Đề nghị ban soạn thảo rà soát, nếu có xung đột với các luật thì phải lấy ý kiến đại biểu. Đừng biến thủ đô thành khu tự trị", ông Phước nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: "Quy hoạch của thủ đô còn lộn xộn lắm". Ảnh: Tiến Dũng. |
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng những câu chữ, quy định trong dự thảo vẫn còn rất ngổn ngang. "Hà Nội có nhiều khu đất vàng, đất kim cương nhưng quy hoạch của thủ đô còn lộn xộn lắm. Tôi mong luật này đề ra cơ chế đặc biệt cho tình hình an ninh nhưng khi đọc luật mới chỉ thấy tăng phạt, dù điều này là đúng", ông Thuyết nói.
Theo đại biểu này, quy định hộ khẩu cũng không làm giảm được sức ép dân số bởi người lao động vào Hà Nội đâu cần hộ khẩu. Mở rộng đô thị với đầy đủ cơ sở hạ tầng mới là điều cần làm. "Con cháu người mua đồng nát mai này có thể thành các nhà khoa học, nghệ sĩ... nên không thể bỏ mặc họ được. Nếu luật làm chưa kỹ, không tác dụng thì chưa nên làm", đại biểu Thuyết nhấn mạnh ở lần phát biểu thứ hai.
Sau khi nêu ra một loạt tiêu chí trong Luật thủ đô như xây dựng thủ đô xanh sạch đẹp, văn minh, trong sạch, vững mạnh... đại biểu Trần Du Lịch băn khoăn: "Đô thị nào ở nước ta cũng cần những tiêu chí này, đâu phải chỉ có ở thủ đô? Tất cả quy định của một đô thị đặc thù đều được đưa vào Luật thủ đô là không ổn". Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Lân Dũng bức xúc: "Nơi nào ở nước ta cũng phải trong sạch, vững mạnh chứ đâu phải chỉ thủ đô mới có".
Các đại biểu trao đổi bên hành lang nghị trường. Ảnh: Tiến Dũng. |
Mong mỏi Quốc hội cần cân nhắc để Luật thủ đô phải xứng tầm với đất nước 86 triệu dân, đại biểu Ngô Quang Xuân đề nghị: "Nếu dự thảo luật chưa đầy đủ, nên nghiên cứu và bổ sung thêm".
Tương tự, đại biểu Vũ Quang Hải nhìn nhận, dự án luật này vẫn có nhiều điều khoản chung chung, mang tính kêu gọi, chưa chú ý tới khu vực ngoại thành cũng như vùng thủ đô như Hưng Yên, Bắc Ninh... nên nếu thông qua thì vội vàng và thiệt cho chính người dân thủ đô.
Trong khi đó, đại biểu Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn lại cho rằng cần sớm ban hành Luật Thủ đô để giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay, và nếu trong quá trình thực hiện, thấy luật chưa phù hợp thì có thể tiếp tục chỉnh sửa.
Ông Sơn dẫn chứng, nhà khách Quốc hội trên đường Yên Phụ bị tạm dừng xây dựng nhiều năm nay vì vi phạm luật đê điều nhưng nếu có Luật thủ đô thì dự án này sẽ tiếp tục được triển khai. Nghe dẫn chứng này, nhiều đại biểu tủm tỉm cười và rì rầm bàn tán.
Ghi nhận các đóng góp sôi nổi, thẳng thắn của 18 đại biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, từ nay đến cuối kỳ họp, ban soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp và báo cáo để Quốc hội xem xét thông qua.
Tiến Dũng