Tại cuộc họp Thường vụ Quốc hội sáng 6/1, nhiều đại biểu đồng tình với việc ban hành Luật thủ đô, song cho rằng những cơ chế đặc thù phải vừa phải đảm bảo đúng pháp luật, vừa có tính thực tiễn.
Theo ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện, nếu đưa ra quy định khắt khe về cư trú, nhưng người dân không chấp hành, vẫn đến Hà Nội làm ăn thì không giải quyết được vấn đề giãn dân. Thời gian qua quy định người ngoại tỉnh mua nhà mới được cấp hộ khẩu đã gây khó cho dân, buộc phải hủy bỏ.
Trưởng ban Dân nguyện cho rằng quy định xử phạt về văn hóa tăng cao ở thủ đô là chưa hợp lý. Ông lấy ví dụ, nếu vi phạm tại đền Hùng mà có mức phạt thấp hơn vi phạm tại chùa Một Cột là bất hợp lý. "Cần tính toán để tránh khi Luật thủ đô ban hành thì các thành phố khác lại thắc mắc, lúc đó chúng ta lại lúng túng", ông Vượng nói.
Hà Nội cần cơ chế đặc thù để quản lý đô thị. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Không đồng tình với quan điểm trên, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, Hà Nội là đô thị đặc biệt nên công tác giải phóng mặt bằng cần có quy định đặc biệt hơn các thành phố. Thời gian qua, việc quản lý quy hoạch yếu kém dẫn đến tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo nên cần đưa vào trong luật quy định mở đường sẽ lấy đất cả hai bên tuyến đường. Ngoài ra, cơ chế tài chính cần tạo đặc thù cho Hà Nội như được phép giữ lại nguồn vượt thu ngân sách để tái đầu tư, thời gian có thể là 10 năm.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên ví von, Hà Nội là bộ mặt đất nước song giao thông, kiến trúc thua xa các thành phố của Lào, Campuchia. Lấy dẫn chứng con phố nơi ông ở là Trần Quang Diệu, vỉa hè lồi lõm, các ngôi nhà thò ra thụt vào nên nếu đi mà không nhìn vỉa hè thì có thể gẫy chân. Tuyến phố lớn khác như Điện Biên Phủ cũng có nhiều nhà lấn ra vỉa hè mà không bị xử lý, mặc dù việc xây dựng không phải chỉ trong một đêm.
Ông Kiên tán thành mức phạt cao hơn so với các tỉnh vì người dân Hà Nội có trình độ cao hơn, mức sống cao hơn. Người dân được hưởng thụ cao hơn thì phải đóng góp nhiều hơn.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng bày tỏ thủ đô cần được ưu tiên như không được mất điện, dân phải được dùng nước sạch. An ninh trật tự phải quan tâm hơn, một tiếng nổ ở thủ đô là vấn đề nghiêm trọng hơn ở nơi khác. "Cả nước sẽ đồng thuận với những đặc thù cho thủ đô, hướng về thủ đô", bà Phóng tin tưởng.
Đại diện lãnh đạo Hà Nội, Phó chủ tịch UBND Vũ Hồng Khanh cho rằng, với quy định hiện hành thì Hà Nội khó thực hiện phát triển thủ đô văn minh, xanh sạch đẹp, như chủ trương di dời bệnh viện trường học hiện không có chế tài nên không bắt buộc các đơn vị này di dời. Dân số Hà Nội ngày càng tăng song không có chế tài hạn chế...
"Một người vi phạm giao thông ở Hà Nội có thể làm tắc đường, ảnh hưởng hàng nghìn người, khác với vi phạm ở tỉnh khác. Giá trị đất ở Hà Nội gấp nhiều lần các tỉnh nên cũng phải có chế tài xử phạt nặng hơn với những vi phạm. Quy định đưa ra nhằm xử lý người vi phạm và răn đe những người khác", ông Khanh bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, theo ông Khanh, dân số Hà Nội năm 2009 tăng 14.000 dân so với năm trước, năm 2010 tăng hơn 15.000 dân, nên nếu chấp nhận những người không có việc làm ổn định, ở nhờ thì dân số còn tăng lên rất cao. "Tôi đề nghị người dân phải có việc làm, có nhà ở sở hữu hoặc thuê nhà", lãnh đạo Hà Nội bày tỏ.
Từng làm Bí thư thành ủy Hà Nội nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, ông thấu hiểu vướng mắc của thủ đô. Thực tiễn đòi hỏi ban hành Luật thủ đô để tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội phát triển xứng tầm và tháo gỡ cho thành phố. Ông yêu cầu cơ quan soạn thảo đưa ra những cơ chế đặc thù để Quốc hội bàn thảo, cần thiết thì sửa luật khác. Dù thời gian chuẩn bị gấp gáp cho kỳ họp tháng 3 tới song cơ quan soạn thảo phải hoàn thành dự án Luật thủ đô đạt chất lượng.
Đoàn Loan