Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, mưa sẽ bắt đầu từ phía Tây Bắc Bộ và vùng núi phía bắc, sau đó đến đồng bằng trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Lượng mưa dao động 50-200 mm.
Đập tràn Lạc Khoái, lớn nhất vùng phân lũ sông Hoàng Long, đang được lực lượng dân quân, bộ đội gia cố bằng bao tải cát. Ảnh: Việt Hùng |
"Nếu tiếp tục mưa 200 mm Hà Nội khó giữ được đê", đó là khẳng định của ông Trịnh Duy Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại cuộc họp giao ban chiều 4/11 với Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương.
Ông Hùng cho biết, trong ngày 4/11, thành phố đã rà soát lại toàn bộ đê điều, xử lý triệt để những điểm sự cố tại đê sông Hồng. Đoạn sạt lở của kè Liên Trì nằm ở đê sông Hồng (huyện Đan Phượng) 10 ngày trước cũng đang được xử lý. Hiện tại mỗi ngày có 10 tàu chuyển hơn 7.000 m3 đá đến xử lý điểm sạt lở này.
Tuy nhiên, theo ông Hùng điều đáng lo nhất hiện nay là các tuyến đê cấp 3 ở nội đồng có nhiều đoạn đã bị tràn gây ngập lụt diện rộng. Nước các sông Nhuệ, Tích, Bùi... đều ở mức báo động 3, nếu có mưa lớn sẽ rất nguy hiểm.
Sáng nay, lũ sông Thao và Lô đang xuống, 3 nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà mở 6 cửa xả đáy nên mực nước hạ lưu sông Hồng lên cao, nhưng không như dự báo tối qua. 7h sáng nay, mực nước hạ lưu sông Hồng là 9,74 m (trên báo động 1 là 0,24 m); sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,95 m (trên báo động 2 là 0,45 m). Theo dự báo, chiều tối nay (5/11), hạ du sông Thái Bình tại Phả Lại lên mức 5,2 m (dưới báo động 3 là 0,3 m); hạ du sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh ở mức 10,2 m (dưới báo động 2 là 0,3 m). |
Hiện tại nước sông Nhuệ vẫn tràn vào khu vực phía bắc Hà Đông. Đê sông Bùi, Tích đều nằm giữa mức nước chênh lệch của sông và đồng ruộng là 2 m nên việc tập kết vận chuyển vật liệu ứng cứu rất khó khăn.
Ông Hùng đánh giá, nếu thời gian tới có mưa ở mức 200 mm làm nước ở phía tây tràn về Hà Nội thì rất khó giữ được các tuyến đê nội đồng này. Vì vậy, ông Hùng đề nghị lực lượng quân đội chuẩn bị sẵn sàng để huy động ứng cứu theo phương án của thành phố khi có tình huống xấu xảy ra.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã yêu cầu thành phố Hà Nội cân nhắc phương án dùng bơm dã chiến để giảm tải cho trạm bơm Yên Sở. Trước mắt, lãnh đạo thành phố cần phân công cán bộ đi kiểm tra kỹ các tuyến đê sông Hồng, Nhuệ, Tích, Bùi... đánh giá điểm xung yếu, trên cơ sở đó có phương án xử lý kịp thời sự cố.
Xã An Phú (Mỹ Đức, Hà Nội) bị cô lập trong vùng nước. Ảnh: Hoàng Hà |
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, Hà Nội cũng cần giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền cấp huyện, quận phải chịu trách nhiệm từng đoạn đê; dự phòng những tình huống xấu và phải có sự chuẩn bị phù hợp, tính toán lực lượng, vật tư tại chỗ. Ông yêu cầu, ngay ngày 5/11 Hà Nội phải bổ sung phương án dự kiến cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Theo Bộ trưởng Phát, mặc dù mực nước sông Hồng có thể chỉ lên 10,5 m (ở mức báo động 2), nhưng đề phòng có thể lên cao hơn, do đó cần thông báo cho người dân vùng bãi chủ động phòng tránh.
"Hà Nội phải chuẩn bị sẵn sàng đề phòng khi trạm bơm Yên Sở xảy ra sự cố phải có lực lượng kỹ thuật ứng trực kịp thời. Nếu nước lại lên làm ngập các tuyến phố phải có phương án khắc phục hỗ trợ nhân dân đi lại", ông Phát nói và gợi ý Hà Nội nên sử dụng thuyền vượt sông nhẹ cho cửa ngõ phía Nam, khu vực Giáp Bát.
Tình hình đê kè Hà Nội (tối 4/11) 1/ Tuyến đê sông Hồng: - Tại huyện Đan Phượng xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng bờ hữu sông Hồng khu vực kè Liên Trì xã Liên Trung, sạt sâu thêm so với trước ngày 29/10 là 4 m và kéo dài 40 m. UBND xã Liên Trung đã phải ngăn cấm người qua lại. - Nhiều đoạn qua huyện Mê Linh bị sạt lở, có vị trí lở dài 25 m. Đặc biệt, tại xã Tráng Việt có 12 hộ bị sạt lở đất xuống sống, một số hộ sạt lở đến sát tận công trình nhà ở. - Tại Từ Liêm ngày 1/11 phát hiện sự cố sụt đỉnh kè Thụy Phương, tường bao quanh trạm bơm Hòe Thịnh bị đổ. - Tại quận Long Biên, hiện đã sụt đỉnh và mái kè Gia Thượng với kích thước dài 30 m, rộng 8 m. 5 hộ dân tại phường Ngọc Thụy đã di dời. 2/ Tuyến đê tả và hữu Đáy có 9 điểm bị sạt lở. 3/ Bờ tả sông Mỹ Hà tràn dài 200 m, sâu 0,3 m đang được xử lý chống tràn bằng bao tải đất. 4/ Tuyến đê tả Bùi, tả Tích có một số sụt sạt. Đê Hữu Bùi đã tràn hầu hết tuyến theo phương án thiết kế. 5/ Tuyến đê sông Nhuệ và Duy Tiên, 6.000 m đê bị tràn và một số vị trí bị sút sạt. |
Xuân Tùng