Vừa thị sát dọc 2 km đê sông Nhuệ sáng 3/11, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết, nước sông đã cao hơn đập Thịnh Liệt 7 cm. Đê tả sông Nhuệ đang đối mặt với nguy cơ vỡ.
"Nếu nước sông Nhuệ tràn bờ, không chỉ các quận nội thành Hà Nội mà thành phố Hà Đông cũng bị đe dọa nghiêm trọng", ông Khôi nói.
Sông Nhuệ là một nhánh sông Hồng, có một đoạn chảy xuyên qua thành phố Hà Đông. Bình thường, đây là con con sông tiêu thoát cho nội đô Hà Nội nhưng đợt mưa kỷ lục đã khiến mực nước Nhuệ Giang cao hơn sông Tô Lịch hơn 20 cm.
Trên tuyến đê sông Hồng, hiện đã có 13 điểm sạt. Ông Hoàng Mạnh Hiển, một Phó chủ tịch khác của Hà Nội, cho biết, đêm 1/11, tại thôn Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) một đoạn bờ sông dài 170 m sạt lở ảnh hưởng đến 30 hộ dân, 5 hộ đã di dời. Nước sông ngoạm sâu vào khu vực bảo vệ ngoài đê, đe dọa tuyến đê tả ngạn sông Hồng.
![]() |
Trận mưa lịch sử đặt hệ thống tiêu thoát nước của Hà Nội trước một nhiệm vụ bất khả thi. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại huyện Mỹ Đức, nước tràn qua đê khiến hàng nghìn ha đồng ruộng mất trắng, gần 2.000 hộ dân phải di dời. Theo ông Trịnh Duy Hùng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, nước trên các sông Tích, Bùi, Thanh Hà vẫn đang dâng lên. Một số hồ chứa nước lớn ở các huyện đã tràn qua đê, đập đe dọa nghiêm trọng cuộc sống người dân.
Để đối phó với tình hình, lãnh đạo Hà Nội đã đặt nhiệm vụ hộ đê lên hàng đầu song song là việc tiêu thoát nước cho nội đô. Hiện, thành phố đã ngừng bơm nước ra sông Nhuệ, bảo đảm an toàn cho hai bờ sông.
Tại nội thành Hà Nội, ngày 3/11 vẫn còn hàng chục điểm đen úng ngập. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện 20.000 điểm lún sụt và 50.000 ổ gà sau khi nước rút. Hàng loạt tuyến đường nội thành đã bị cày nát, nặng nhất là đường Trường Chinh (quận Đống Đa). Việc khắc phục trước mắt các tuyến đường cần khoảng 30 tỷ đồng.
"Chúng tôi đã huy động 1.000 công nhân sửa chữa các hố sụt, căng biển báo tại các điểm úng ngập. Việc đậy các nắp hố ga cũng đang được phối hợp với Sở Xây dựng", ông Hùng cho biết.
Đến ngày 3/11, Hà Nội đã có 20 người chết vì mưa, ngập úng. Hơn 53.000 ha lúa, cây màu vụ đông, rau quả ngập úng; hơn 34.000 hộ dân bị ngập và gần 5.200 hộ phải di dời. Thiệt hại ước tính trên 3.000 tỷ đồng.
Theo Sở Công thương, Hà Nội sẽ thiếu hụt lượng rau xanh đáng kể trong nhiều ngày tới. Nguyên nhân là các vùng trồng rau quanh thủ đô cũng bị mưa ngập. Kể cả khi nước rút, nguồn cung cũng chưa thể phục hồi ngay. Trong khi đó, ngành y tế cũng đã cảnh báo nguy cơ dịch bệnh sau ngập úng ở thủ đô. Theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, trước mắt, Sở sẽ phát các tờ rơi hướng dẫn đảm bảo vệ sinh môi trường cho người dân, đảm bảo nguồn cung thuốc men tại các cơ sở y tế và giám sát người bệnh. Việc giám sát chất lượng đầu ra nước sạch tại nhà máy nước Hà Nội cũng được tiến hành. |
Nguyễn Hưng