Hòa trong tiếng trống, tiếng chiêng bi hùng, hàng nghìn con cháu của các tộc họ trên đảo Lý Sơn cùng du khách trong nước, quốc tế tham dự đại lễ cầu siêu, tỏ lòng tri ân bậc tiền nhân từng giong buồm ra khai thác biển Đông, cắm cột mốc khẳng định chủ quyền lãnh hải trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Căn cứ vào các Bộ chính sử của triều Nguyễn thì cách đây khoảng 4 thế kỷ, các chúa Nguyễn đã bắt đầu ý thức đến nguồn tài nguyên vô tận, cũng như sớm xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của Tổ quốc, mà trước hết là quần đảo Hoàng Sa. Hằng năm các chúa Nguyễn đã tuyển 70 dân đinh, giỏi nghề đi biển ở các làng An Vĩnh và An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ, và sau đó là dân đinh ở phường An Vĩnh và phường An Hải trên đất đảo Lý Sơn, lập thành đội dân binh ra quần đảo Hoàng Sa.
Thả kinh thuyền ra biển tế lính Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín |
Đội Hoàng Sa được thành lập chính thức năm nào, lịch sử không ghi rõ, chỉ biết là vào thời “đầu bản triều”, “hồi đầu dựng nước”(của chúa Nguyễn ở Đàng Trong), tức sớm nhất có lẽ là vào cuối thế kỷ 16, hoặc đầu thế kỷ 17). Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, nếu cứ tạm thời xác định, là đội Hoàng Sa hoạt động liên tục suốt 3-4 thế kỷ, có hàng vạn người đã phải vượt qua không biết bao nhiêu sóng gầm, bão tố để đo đạc thủy trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên biển đảo theo lệnh của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn.
Đội Hoàng Sa sau này được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa (kiêm quản Trường Sa và Bắc Hải, mộ thêm các ngư dân ở Quảng Bình, Bình Thuận, thuộc các làng Tứ Chính, Bình Cố, Cảnh Dương),
Cho đến nay, người dân ở huyện đảo Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Theo tiến sĩ Vũ, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ thức tri ân những lính Hoàng Sa, Trường Sa thuở xa xưa ấy. Nếu để chia tay những người đăng lính thì đó là lễ thức khao lề thế lính. Còn nếu tưởng niệm người đăng lính đã bỏ mình trên dặm dài sóng nước, thì đó là lễ thức khao lề tế lính. Thường thì cho cả hai, thế người còn sống và tế người đã chết. Khao lề chỉ là lệ khao định kỳ hằng năm (như hình thức cúng việc lề mà một số nơi trong nước còn gìn giữ), nhưng thế lính lại là nghi lễ mang đậm yếu tố phù phép của đạo giáo nhằm thế mạng cho người đi lính, bởi ai cũng biết rằng người đi lính Hoàng Sa sẽ phải luôn luôn đối mặt với cái chết.
Sau lễ thức ở nhà thờ tộc họ, người dân Lý Sơn đặt các hình nhân và linh vị, cùng những thứ tượng trưng mà người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa thường mang theo, như gạo, muối, củi, nước ngọt, lưới… vào chiếc thuyền bằng bè xốp, chuối cây rồi mang đem thả trên biển cầu nguyện linh hồn tổ tiên năm xưa được siêu thoát.
Cũng tại đại lễ cầu siêu tri ân đội hùng binh Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn, đạo diễn Trần Tuấn Hiệp cùng kíp quay phim, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện bộ phim tư liệu về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Nhân dịp này, Hiệp hội A.D.E.P Pháp - Việt, Quỹ nhân đạo nghề cá Việt Nam, Quỹ nghĩa tình biển đảo đã hỗ trợ chia sẻ cùng gia đình 6 ngư dân Lý Sơn có thân nhân bị nạn mất tích ở vùng biển Hoàng Sa; hỗ trợ vốn sản xuất cho thuyền trưởng Mai Phụng Lưu - biệt danh “Sói biển” có thâm niên hơn 35 năm hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, với tổng số tiền 46 triệu đồng.
Trí Tín