Sau hai năm làm công chức trong một cơ quan Bộ, anh Duy Thanh đã phải khăn gói đi tìm việc khác. Nhớ lại những ngày tháng "có tiếng mà không có miếng", anh ngậm ngùi cho biết, ra đi là quyết định đúng đắn tuy nhiều lúc có hơi tiếc môi trường làm việc thoải mái.
Anh kể, chiều theo tâm lý các cụ thích vào cơ quan nhà nước, gia đình đã tốn khoản tiền không nhỏ để xin vào làm tại phòng truyền thông của một Bộ danh tiếng tại thủ đô. Ban đầu anh thấy khá thoải mái do lượng công việc không nhiều, đi làm như đi chơi, khi giới thiệu cơ quan với bạn bè thì ai cũng xuýt xoa vì "chỗ làm oách thế".
"Nhưng không lâu sau đó tôi bắt đầu cảm thấy chán, thời gian nhàn rỗi nhiều mà thu nhập thì không đủ để duy trì cuộc sống. Sinh viên ra trường chỉ được hệ số lương 2,34, nhân với lương tối thiểu, cộng thêm cả một số khoản của phòng, của cơ quan chỉ trên dưới 2 triệu đồng, làm sao đủ ăn, nói chi tới việc lấy vợ sinh con", anh Thanh nói.
Trong lúc khó khăn, anh bắt đầu tìm kiếm việc làm thêm. Thanh viết bài cộng tác với các báo, song số tiền làm thêm không đáng là bao. Nghĩ đến câu của ông bà "phi thương bất phú", anh chuyển sang đi buôn. "Tôi lên mạng tìm những món hàng người ta bán, thấy hợp lý về giá cả thì đến mua vào ngoài giờ hành chính, sau đấy rao ở các trang mua bán trên mạng để bán lại lấy chênh lệch", anh Thanh kể.
Công việc hành chính nhàm chán, lương thấp khiến nhiều công chức phải làm thêm hoặc bỏ việc nhà nước. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, thời gian "chân trong, chân ngoài" cũng chỉ kéo dài được 2 năm, Thanh chán nản và tìm một công việc khác có thể phát huy được kiến thức báo chí đã học. Thanh cho rằng, môi trường làm việc thân thiện rất quan trọng, nhưng chung quy lại mỗi người đều cần một công việc tốt và có thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống.
Làm việc trong một bệnh viện quân đội với tiền lương chỉ xấp xỉ 3 triệu đồng khiến chị Chuyên chật vật trong chi tiêu. Những người ở cùng phòng trọ với chị cho biết, thật thà và tốt bụng nên suốt 6 năm đi làm, Chuyên chưa bao giờ nhận một chiếc phong bì của bệnh nhân.
"Tôi đi làm là để giúp đỡ mọi người, đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của tôi. Lương thấp thì tôi có thể đi làm thêm. Thực tế là 4 năm nay sau khi tan ca ở bệnh viện tôi lại đến phòng khám tư để làm thêm và trở về phòng trọ lúc 9-10h tối", chị Chuyên nói.
Kết thúc một ngày với bát bún và trở về phòng trọ lúc tối muộn, Chuyên chỉ kịp tắm giặt và lăn ra ngủ. Có đợt do làm triền miên từ sáng đến đêm, thứ bảy, chủ nhật lại trực, chị đổ bệnh phải nằm nhà một tuần. "Bận bịu với công việc, tôi chẳng còn thời gian để chăm sóc bản thân. Ngay cả thời gian để yêu đương cũng không có nên đến giờ vẫn cô đơn. Nhiều lúc nghĩ cũng buồn lắm nhưng đã yêu nghề, chọn nghề nên tôi cứ làm thôi, không bỏ được", Chuyên tâm sự.
Trong khi đó, dù là một bí thư đoàn phường ở thành phố Hà Tĩnh, công việc vốn tiêu tốn rất nhiều thời gian, sức lực nhưng buổi tối và chủ nhật hàng tuần, Mai vẫn đi dạy thêm. "Nhà mình ở xa thành phố, phải thuê trọ, hàng tháng có bao nhiêu khoản chi tiêu, nếu không làm thêm thì đồng lương của một cán bộ đoàn không kham nổi", Mai nói.
Nữ bí thư đoàn tâm sự, nếu không vì trót đam mê công tác đoàn, đội, không tiếc gần 10 năm gắn bó thì chị đã bỏ để làm việc khác.
Theo anh Nam, cán bộ một cơ quan hành chính thuộc Bộ Nội vụ, công chức nhà nước, trừ những người gia đình có điều kiện, lại thích nhàn thân còn hầu như ai cũng đi làm thêm. "Bạn bè tôi người thì kinh doanh trên mạng, người thì bán hàng đa cấp, tùy vào mối quan hệ cá nhân", anh Nam nói.
Công chức trẻ này cũng thẳng thắn, những người làm trong các cơ quan nhà nước nếu không làm thêm và vẫn sống sung túc, đàng hoàng thì chắc chắn có "thu nhập ngoài lương". "Khó mà tránh khỏi những tiêu cực trong khi thi hành công vụ, đặc biệt là những công chức tiếp xúc nhiều với dân, làm việc ở những lĩnh vực nhạy cảm liên quan tới thuế, đất đai...", anh Nam nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), chính sách tiền lương hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức có nhiều bất cập và mâu thuẫn. Trong đó phải kể đến việc lương của công chức vốn đã thấp và ngày càng thấp hơn so với khu vực sản xuất kinh doanh. "Đây là một bất cập và mâu thuẫn lớn, chưa đảm bảo cho công chức sống chủ yếu bằng lương", tiến sĩ Dũng cho biết.
Theo tiến sĩ này, cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 2003 đến nay vẫn không thoát được luẩn quẩn. Mỗi lần tăng lương tối thiểu làm cho gánh nặng của ngân sách ngày càng tăng, nhưng vẫn không đảm bảo cho công chức sống được bằng lương.
"Chính sách tiền lương dù đã cải cách vẫn chưa tạo động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng và công hiến. Tiền lương không kích thích được cán bộ, công chức gắn bó với nhà nước, không thu hút được nhân tài. Ngược lại, người làm việc giỏi, người có tài bỏ khu vực nhà nước ra làm việc cho khu vực ngoài nhà nước, nơi có thu nhập cao, có xu hướng tăng", tiến sĩ Dũng nói.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, từ 2007 đến nay số cán bộ, viên chức xin ra khỏi ngành Bảo hiểm xã hội là hơn 1.300. Nguyên nhân do sự chưa tương xứng giữa tính chất công việc và thu nhập. Năm 2010, thu nhập mỗi tháng (gồm tiền lương và mức kinh phí tiết kiệm bổ sung vào tiền lương) bình quân của công chức ngành này xấp xỉ 4 triệu đồng, năm 2011 chưa tới 4,9 triệu đồng. Trong khi đó, áp lực công việc ngày càng gia tăng, tính chất công việc từ quản lý thu, chi đến hoạt động đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ rất phức tạp... |
Nguyễn Hưng - Hoàng Thùy