Thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo trước Thường vụ Quốc hội sáng 14/10, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, từ năm 2007 đến nay số cán bộ, viên chức xin ra khỏi ngành là 1.353, nguyên nhân là chưa tương xứng giữa tính chất công việc và thu nhập.
Sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực vào năm 2007, khối lượng công việc của ngành bảo hiểm tăng lên rất lớn. Số người tham gia, hưởng chế độ BHXH, BHYT giai đoạn 2007-2011 tăng rất nhanh càng gia tăng áp lực công việc. Đặc biệt, ở các thành phố lớn thì công chức của ngành thường xuyên phải làm đêm, làm thêm giờ. Trong khi đó, tính chất công việc từ quản lý thu, chi đến hoạt động đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ rất phức tạp...
Hơn 1.300 công chức bảo hiểm bỏ việc trong 4 năm qua do lương thấp. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Do cán bộ, viên chức ngành BHXH hưởng chế độ tiền lương theo cơ quan hành chính nên khó tuyển dụng. Ngoài ra, công chức ngành không được hưởng chế độ phụ cấp như các đơn vị sự nghiệp khác (ví dụ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; phụ cấp thâm niên nghề đối với nhà giáo).
Theo bà Hải Chuyền, thu nhập của công chức ngành bảo hiểm hiện rất khó để họ yên tâm làm việc. Năm 2010, thu nhập, gồm tiền lương và mức kinh phí tiết kiệm bổ sung vào tiền lương, bình quân xấp xỉ 4 triệu đồng, năm 2011 chưa tới 4,9 triệu đồng.
Ghi nhận những bất cập trong chế độ đãi ngộ với công chức ngành bảo hiểm, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, quy định bảo hiểm xã hội hoạt động như tổ chức sự nghiệp nhưng thực hiện chi phí như cơ quan hành chính nhà nước tạo nên sự thiếu đồng bộ. "Thực tế giám sát của Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua cho thấy khối lượng công việc mà ngành bảo hiểm xã hội đảm nhận khá lớn và phức tạp. Công tác quản lý và nghiệp vụ khá nặng nề, phức tạp", bà Mai nói.
Cũng theo bà, trong 4 năm qua, số cán bộ bỏ việc, chuyển khỏi ngành trên 1.300 người đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của ngành. Để bảo đảm hoạt động của bảo hiểm trong khi số người tham gia ngày càng tăng, cần xem xét điều chỉnh mức lương phù hợp với đặc thù công việc ngành.
Theo đề nghị của Chính phủ, Thường vụ Quốc hội thống nhất cho phép thí điểm tiền lương đối với ngành BHXH. Theo đó, BHXH Việt Nam được áp dụng mức chi tiền lương, tiền công đối với công chức bình quân toàn ngành không vượt quá 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do nhà nước quy định (tương tự một số ngành đặc thù giống với BHXH Việt Nam như Thuế, Kho bạc Nhà nước, Hải quan..).
Trường hợp trong phạm vi dự toán chi quản lý bộ máy được giao nếu ngành bảo hiểm thực hiện các biện pháp tiết kiệm kinh phí, số kinh phí tiết kiệm được sử dụng trích lập các quỹ và chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, viên chức bình quân toàn ngành tối đa 0,2 lần mức lương đối với công chức do nhà nước quy định.
Nguyễn Hưng