Bà Lê Thị Nga. Ảnh: Minh Anh. |
- Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm môi trường như Vedan, Miwon... vẫn còn nhẹ với hậu quả gây ra với môi trường. Dưới góc độ pháp luật, bà nhìn nhận thế nào?
- Theo quan điểm của tôi, quy định của pháp luật về mức xử phạt còn nhẹ trong một số trường hợp. Ví dụ Nghị định về xử phạt trong lĩnh vực môi trường chỉ quy định mức phạt tối đa là 70 triệu đồng, Pháp lệnh về xử lý hành chính thì mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng.
Với một số doanh nghiệp lớn, vi phạm nghiêm trọng thì mức này là nhẹ so với nguồn lợi bất chính họ thu được. Việc quy định mức phạt quá cụ thể cũng dễ lạc hậu và nhiều khi không tương xứng với hành vi vi phạm. Tôi đề nghị, nên xử phạt căn cứ theo số ngày, tháng xả trộm, khối lượng xả, doanh thu...
- Trong vài năm gần đây, ô nhiễm môi trường được đánh giá là nghiêm trọng nhưng chưa có vụ xả thải "bẩn" nào bị xử lý hình sự. Cơ sở pháp lý để xử lý tội danh hiện đang ở mức nào?
- Hiện nay Bộ Luật hình sự cũng đã quy định về tội phạm môi trường, có riêng một chương, một mục.Ví dụ điều 183 về gây ô nhiễm nguồn nước, điều 184 về gây ô nhiễm đất, rồi tội hủy hoại rừng, buôn bán động vật hoang dã...
Đặc điểm lớn nhất của Bộ Luật hình sự là trách nhiệm hình sự quy cho cá nhân, không phải trách nhiệm của tổ chức. Muốn xử lý hình sự thì phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Khi cá thể hóa thì phải xử theo chế định đồng phạm, tức là họ phải có sự bàn bạc, câu kết, có người tổ chức, thực hành, giúp sức...
Theo điều 183 Bộ Luật hình sự, cá nhân đã bị xử phạt hành chính về môi trường mà cố tình không khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền mới bị xem xét xử lý hình sự.
- Với trường hợp cụ thể là Vedan, đơn vị này đã bị xử phạt, yêu cầu khắc phục hậu quả nhiều lần vẫn tái phạm nhưng cơ quan chức năng cho rằng không thể xử lý hình sự. Theo bà, vướng mắc nằm ở đâu?
- Tôi cho rằng, không phải do lãnh đạo Vedan là người nước ngoài mà không xử lý được. Lâu nay, người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam vẫn xử lý bình thường. Vấn đề ở đây là có cá thể hóa được trách nhiệm của họ hay không. Khi cá thể hóa được trách nhiệm rồi thì phải cộng thêm những dấu hiệu đã quy định trong luật như bị xử lý hành chính, không khắc phục, tái phạm trong vòng một năm... để xử lý hình sự.
- Hiện tỉnh Đồng Nai và Bộ Tài nguyên Môi trường đang có quan điểm khác nhau về cơ sở pháp lý để tạm đóng cửa Vedan. Bà bình luận thế nào về cơ sở pháp lý đóng của Vedan?
- Rõ ràng ở đây đang có sự lúng túng của các cơ quan chức năng trong việc hiểu và vận dụng quy định pháp luật. Với những sai phạm nghiêm trọng, theo quy định của pháp luật thì có thể tạm đình chỉ hoạt động nhà máy. Nhưng trong trường hợp Vedan thì phải nghiên cứu kỹ, phải nghiên cứu hồ sơ cụ thể.
Với tình hình hiện nay, theo tôi phải có "trọng tài". Chính phủ phải vào cuộc mới xử lý được.
- Trả lời báo giới Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường đã xung phong trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Xin hỏi, bà có chất vấn về vấn đề môi trường và cụ thể là Vedan không?
- Tôi đã gửi 3 câu hỏi chất vấn về ô nhiễm môi trường, Vedan... tới Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường. Trong phát biểu sáng nay, tôi cũng đề nghị Quốc hội kiến nghị Chính phủ tổng kiểm tra, đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường và đưa vào chương trình giám sát năm 2009 nội dung này.
Trao đổi với VnExpress.net, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Bộ đang nghiên cứu tính pháp lý trong việc xử lý tạm đóng cửa nhà máy Vedan. "Hiện, tôi chưa thể nói tỉnh Đồng Nai hay Bộ Tài nguyên Môi trường ai đúng ai sai. Nếu đại biểu Quốc hội có yêu cầu, tôi sẽ trình bày cụ thể vấn đề này trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội đầu tuần tới".
Việt Anh - Nguyễn Hưng thực hiện