"Việc xử lý nghiêm minh Vedan và các doanh nghiệp khác như: tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động, tổ chức, cá nhân có hợp đồng với các doanh nghiệp này. Bộ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ và địa phương, bảo đảm lợi ích cho các bên liên quan", Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nêu quan điểm.
Vedan sẽ phải tạm dừng hoạt động sản xuất. Ảnh: Thiên Chương. |
Ông cho rằng, các sai phạm của Vedan mang tính hệ thống, có tổ chức và kéo dài, có biểu hiện coi thường pháp luật Việt Nam, gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với sông Thị Vải và môi trường xung quanh. Kết quả xử lý sai phạm tại Vedan đã tính đến các tình tiết tăng nặng.Tổng mức phạt hành chính với Vedan là 267,5 triệu đồng cho 12 lỗi vi phạm. Trong vòng một tháng, Vedan phải nộp 127 tỷ đồng truy thu phí bảo vệ môi trường.
Để khắc phục hậu quả, Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường cấm tất cả các hoạt động xả chất thải lỏng không đạt tiêu chuẩn ra môi trường, kèm theo quyết định đình chỉ hiệu lực Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước của Vedan với thời hiệu 6 tháng. Để được xin giấy phép xả thải, một tháng trước khi hết hạn đình chỉ, Vedan phải báo cáo kết quả thực hiện việc khắc phục.
Trong vòng một tháng (kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt - 6/10) Vedan phải tháo gỡ toàn bộ hệ thống đường ống, cống ngầm, máy bơm và các thiết bị khác có liên quan đã dùng để xả chất thải lỏng từ khu vực sản xuất ra sông Thị Vải. Sau đó, lập hồ sơ thiết kế hệ thống xử lý chất thải lỏng mới gửi về Bộ để xem xét đánh giá chấp thuận trước khi xây dựng.
Đồng thời công ty này phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường sông Thị Vải, đền bù cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do vi phạm của mình.
Hệ thống xử lý nước thải "nổi" của Vedan. Ảnh: Báo Đồng Nai. |
Bộ Tài nguyên Môi trường kiến nghị Thủ tướng chuyển toàn bộ khoản kinh phí thu được từ Vedan và một số doanh nghiệp khác trên lưu vực sông Thị Vải (gồm tiền phạt, tiền truy thu nộp phí, tiền đền bù thiệt hại...) về Quỹ Bảo vệ Môi trường VN tiếp nhận và sử dụng. Các bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm bảo đảm lợi ích cho người lao động khi quyết định tạm thời đình chỉ hoặc cấm hoạt động đối với các công ty này.
Cũng trong ngày hôm nay, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan tới khi hoàn thành biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Với công nhân nhà máy Vedan cũng như các đơn vị có hợp đồng kinh tế cung cấp nguyên liệu cho công ty này, ông Phạm Khôi Nguyên đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan phối hợp giải quyết.
Công ty thực phẩm Vedan, 100% vốn của Đài Loan, xây dựng nhà máy năm 1991 tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách TP HCM 75 km. Đến nay, các hạng mục đã đưa vào sản xuất gồm có: nhà máy Xút - Clo, nhà máy bột ngọt, nhà máy tinh bột, nhà máy tinh bột biến đổi, nhà máy lysine...
Năm 1994 ngay sau khi đi vào hoạt động, công ty đã thải chất gây ô nhiễm môi trường xuống sông Thị Vải làm thủy sản chết hàng loạt. Năm 2005, Vedan đã đồng ý đền bù nông dân nuôi trồng thủy sản Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu 15 tỷ đồng.
Nguyễn Hưng