Chiều 23/3, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng.
Đánh giá cao vai trò của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong nhiệm kỳ vừa qua, đại biểu Nguyễn Hữu Thắng (TP HCM) cho rằng: "Chủ tịch nước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Với báo cáo hoạt động của Chính phủ, đại biểu này chưa hài lòng về phần đánh giá liên quan đến phương pháp làm việc và trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ và đề nghị cần làm rõ hơn.
Cũng có chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa đề xuất cần có bản đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng thành viên Chính phủ để làm rõ hơn trách nhiệm của từng người. "Chúng ta thường nói, việc đánh giá mới dừng lại ở trách nhiệm tập thể chứ chưa cụ thể tới cá nhân. Vì thế, trong trường hợp này, nếu có được báo cáo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng thành viên Chính phủ thì điểm yếu trên sẽ được giải quyết", đại biểu Hòa nói.
Các đại biểu Hà Nội trao đổi bên ngoài hội trường. Ảnh: Tiến Dũng. |
Dù đánh giá cao hoạt động của Chính phủ trong việc nhạy bén, ứng phó xử lý tình huống, giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng và đạt được mức độ tăng trưởng tốt nhưng đại biểu Trần Du Lịch vẫn cho rằng, việc điều hành nặng về mục tiêu tăng trưởng chứ chưa thiên về tái cấu trúc và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Ông Lịch ví von: "Điều này giống như xây nhà cao tầng trên một nền móng yếu".
Ngoài ra, ông Lịch cũng nhìn nhận, việc phối hợp hành động giữa các thành viên Chính phủ cũng chưa tốt mà điển hình là việc thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2010.
Góp ý cho hoạt động của nhiệm kỳ tới, chuyên gia này cho rằng các thành viên Chính phủ cần quan tâm hơn tới chất lượng chứ không phải là tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất cần làm rõ việc nào Chính phủ cần làm, việc nào để cho thị trường điều tiết, không nên lẫn lộn.
Còn đại biểu Ngô Minh Hồng nhận định, đây là nhiệm kỳ 4 năm "đầy bão táp" với thời điểm đầu và cuối đều ở giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Nhưng bà không quên nhắc lại vụ việc xảy ra ở Vinashin có kết luận về sai sót, và có kiểm điểm nhưng không kỷ luật ai. "Việc xảy ra như vậy, chúng ta cũng phải rất vất vả, tốn kém để xử lý cho Vinashin nhưng trách nhiệm của Chính phủ đến đâu thì phải nói rõ để Quốc hội, nhân dân giám sát. Chứ chỉ nói là chưa đến mức phải kỷ luật thì chưa thuyết phục được nhân dân", nữ đại biểu của TP HCM bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Đăng Kính: "Tầm quản lý vĩ mô của Chính phủ còn thiếu sót, chậm phát hiện các vụ việc nghiêm trọng". Ảnh: Tiến Dũng. |
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Đăng Kính đánh giá, trong 4 năm qua, Chính phủ làm được nhiều việc, đặc biệt là đã chỉ đạo, điều hành đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, làm cho người dân ngày càng tin hơn.
Tuy nhiên, ông cũng còn băn khoăn về "thiếu sót" của Chính phủ khi nhiều dự án luật trình Quốc hội thông qua được chuẩn bị chưa tốt, chất lượng chưa cao. "Có dự án luật khi đưa ra Quốc hội, đại biểu nói sao làm yếu thế. Ngay cả Luật Thủ đô, lúc chuẩn bị, tính khả thi rất thấp. Nhiều thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành luật chậm, có luật ban hành được vài năm vẫn chưa có hướng dẫn", vị đại biểu 72 tuổi này trăn trở.
Cũng theo ông Kính, tầm quản lý vĩ mô của Chính phủ còn thiếu sót, chậm phát hiện các vụ việc nghiêm trọng, điển hình như việc cho thuê rừng ở 10 tỉnh, thành hay việc thua lỗ nhiều năm của Tập đoàn Vinashin.
"Trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho Chính phủ còn yếu. Có dự án, tờ trình không thực hiện được do Quốc hội không đồng ý như dự án đường sắt cao tốc, quy hoạch vùng thủ đô... Một điểm mà tôi nhớ mãi là khi chuẩn bị cho Quốc hội quyết định hợp nhất Hà Nội với Hà Tây, tờ trình của Chính phủ có 4 trên 6 căn cứ không đúng thực tế", đại biểu Kính nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Quyền đánh giá, báo cáo của Chính phủ mang nhiều dáng dấp của báo cáo kinh tế xã hội hơn là báo cáo tổng kết nhiệm kỳ. "Đây là công việc giúp nhìn lại năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Tiến hành đánh giá thực chất chúng ta mới nhìn lại chúng ta là ai, làm được gì, đâu là yếu kém cần khắc phục, nếu không việc tổng kết chỉ là hình thức", ông Quyền nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh thẳng thắn cho rằng, nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã có nhiều đổi mới nhưng những thứ chưa làm được như cải cách hành chính, tham nhũng, phiền nhiễu... vẫn gây nhức nhối trong dân.
Lo lắng trước cuộc sống khó khăn của người dân cũng như khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ rệt, đại biểu Nguyễn Minh Hà đặt câu hỏi: "Điều hành của Chính phủ như thế nào? Tôi thấy Chính phủ còn lúng túng". Bà Hà cho rằng, việc Chính phủ ra lệnh cấm sau khi không quản lý được tình trạng kinh doanh vàng miếng và giao dịch bằng đôla chỉ là giải pháp tạm thời, gây bức xúc cho người dân.
Nhấn mạnh tới các giải pháp Chính phủ cần làm trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền đề nghị Chính phủ cần cần chỉ đạo tập trung hơn trong việc cơ cấu nền kinh tế bởi yếu kém của nền kinh tế chúng ta đang đối mặt, không phải do một số nguyên nhân trước mắt như tiền tệ, chính sách tài khóa... mà còn sâu xa, tích tụ từ nhiều năm.
"Lâu nay chúng ta nói đầu tư hiệu quả kém, cái chính là do chiến lược và quản lý chưa tốt. Đây là khâu yếu, cần chấn chỉnh", ông Hiền chỉ rõ.
Tiến Dũng - Hoàng Ly