Tại hội thảo quy hoạch đô thị và an toàn giao thông sáng 28/10, GS.TS Vũ Hoan đã tổng hợp ý kiến của đại biểu và đưa ra đề xuất của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội gửi lãnh đạo UBND thành phố.
Theo ông Vũ Hoan, điều chỉnh giờ làm việc, giờ học là một giải pháp đúng để tổ chức giao thông, tuy nhiên cần xét trên nhiều góc độ, về giao thông, về xã hội, con người, ngành nghề. Trước mắt, giải pháp này nên thực hiện tại một số khu vực chứ không nên làm diện rộng.
GS.TS Vũ Hoan đề xuất, chỉ cần chia thành 2 nhóm người phải điều chỉnh giờ là nhóm độc lập và nhóm phụ thuộc. Theo đó, nhóm sinh viên, học sinh THPT (nhóm độc lập) sẽ bắt đầu học ca sáng từ 6h sáng, kết thúc ca chiều vào 19h.
Nhóm phụ thuộc bao gồm cán bộ, viên chức trung ương và Hà Nội, trẻ mầm non, tiểu học. Trẻ em bắt đầu học từ 8h sáng đến 18h chiều. Còn cán bộ làm việc từ 9h sáng, kết thúc lúc 17h hàng ngày.
"Giờ học và giờ làm chênh nhau một giờ đảm bảo cho các phụ huynh đưa đón con rồi đến cơ quan, hoặc khi tan sở, họ đi chợ rồi đón con...", ông Hoan nói.
Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Ảnh: Bá Đô. |
Ngoài ra, lãnh đạo Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội cũng đưa ra các giải pháp tình thế để giải quyết tình hình ùn tắc hiện nay. Đó là nghiên cứu và tổ chức phân làn, cần áp dụng cơ sở khoa học để nâng cao năng lực giao thông; tính toán lại hệ thống đèn tín hiệu; giảm phương tiện cá nhân theo lộ trình và rút ngắn tuổi thọ phương tiện cá nhân; chuẩn bị đầy đủ phương tiện công cộng.
Ông Huỳnh Tấn Nam, đại diện Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội cũng đề xuất, UBND thành phố sớm hoạch định lộ trình giảm phương tiện theo từng khu vực; phê duyệt đề án quy hoạch điểm đỗ, bãi đỗ xe và sớm triển khai.
Trước mắt thành phố nên hạn chế một số phương tiện trên một số tuyến đường theo từng khung giờ, quy định những tuyến đường không được dừng đỗ xe; những tuyến chỉ được đỗ xe một bên; tổ chức phân làn, tách dòng phương tiện; nâng mức lệ phí trông giữ xe và thu phí lưu hành vào trung tâm.
Hiện nay trên địa bàn có 25 nút giao thông trọng điểm thường xảy ra ùn tắc, phải có cảnh sát chỉ huy trên bục vào giờ cao điểm. Ngoài ra, có 28 chốt thường ùn tắc trong giờ cao điểm.
2 ngày trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ 2 phương án điều chỉnh giờ làm, giờ học. Cả hai đều giống nhau về giờ làm việc, giờ học của khối học sinh nhưng khác nhau về giờ học khối sinh viên. Công chức cơ quan trung ương sẽ làm ca sáng từ 9h đến 12h; ca chiều từ 13h đến 18h. Công chức Hà Nội sẽ làm giờ ca sáng từ 8h30 đến 12h; ca chiều từ 13h đến 17h30.
Đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS sẽ học bán trú từ 8h đến 17h30. Học sinh THPT sẽ học ca sáng từ 7h đến 11h; ca chiều từ 12h30 đến16h30. Các trung tâm kinh doanh, thương mại sẽ mở cửa từ 9h30 đến 23h30.
Với khối sinh viên, giờ học sẽ phân chia cụ thể theo địa bàn quận.
Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu UBND thành phố Hà Nội về việc không dùng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh điểm đỗ xe; dừng cấp phép thành lập thêm hãng taxi và không cho tăng số lượng taxi. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thành phố quyết liệt thực hiện các giải pháp cấm taxi và hạn chế xe cá nhân lưu thông trên một số tuyến phố có lưu lượng giao thông lớn hay ùn tắc vào các giờ cao điểm. |
Đoàn Loan