Gần một tuần sau trận lũ kinh hoàng ở miền Trung, nước đã rút để lại những lớp bùn đất đỏ au cùng cuộc sống khốn khó trăm bề, người dân nơi đây đang đối mặt với đói ăn, khát uống.
Vợ chồng anh Hồ Văn Khá buồn thiu bên rá gạo vay tạm của nhà hàng xóm nhưng chưa có nước để nấu cơm. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Các xã Hương Thủy, Phương Mỹ, Hà Linh... của huyện Hương Khê nằm bên bờ sông Ngàn Sâu. Từ bao đời nay, người dân ở đây vẫn có thói quen sống chung với lũ, hầu như nhà nào cũng có sàn cao, xuồng độc mộc để sẵn sàng tránh thủy thần. Nhưng năm nay, lũ ập về quá bất ngờ khiến họ trở tay không kịp. Không có người chết nhưng toàn bộ gạo thóc, vật dụng sinh hoạt của các gia đình ở xã Hương Thủy đều bị nước cuốn trôi, giếng nước bị lũ tràn vào, không thể sử dụng được.
Nằm cách nhà anh Khá không xa, chị Nguyễn Thị Xuân bỏ mặc nhà cửa đang nhầy nhụa bùn non, đi ra phía bãi bồi mới nổi ở sông Ngàn Sâu để tìm kiếm những con cua, con ốc về làm thức ăn. Cạnh đó, giữa những thửa ruộng đang ngập nước, cậu con trai 7 tuổi của chị cùng với 2 cậu bé khác cũng đang tích cực chèo thuyền đi vớt giun về làm mồi bắt lươn, câu cá.
Trong khi người mẹ đang thở dài ngao ngán, chưa biết lấy gì để ăn trong những ngày sau lũ thì cậu con trai của chị lại vui cười hớn hở với một túi giun căng đầy. “Em sẽ đi thả lươn, câu cá để bán lấy gạo, mua sách vở bị ướt”, cậu bé Nam cười bảo.
Cậu bé Nam vui mừng với một túi giun vừa bắt được: “Em sẽ đi thả lươn, câu cá để mua gạo, mua sách vở”. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Tình cảnh tương tự cũng bắt gặp ở những gia đình xã Phương Mỹ, nơi đang phải vật lộn với khó khăn trăm bề vì nước lũ.
“Nhà sập, lúa thóc ướt, giếng nước bám đầy bùn đất, mấy ngày qua chúng tôi sống bằng mì tôm và nước của các đoàn cứu trợ, lũ hết rồi không biết lấy chi mà sống đây”, chị Mai ở xóm 11 thở dài. Cạnh đó, những người hàng xóm của chị cũng đang bơ phờ hốc hác sau những ngày chạy lũ vất vả.
Nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Bình, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa được xem là một trong những rốn lũ ở miền Trung. Cũng như những địa phương ngập lụt khác, người dân xã Thanh Hóa đang đói quay đói quắt sau khi nước rút.
Ngồi bần thần bên di ảnh đứa con trai, nhìn ra căn nhà đổ sập hoàn toàn, bà Cao Thị Khoa (mẹ anh Nguyễn Văn Dũng, 24 tuổi bị chết trong rừng) khóc đến cạn nước mắt: “Chưa năm mô có trận lụt như năm ni, nhà cửa, ló thóc, chăn màn đều trôi hết, mấy ngày liền phải cầm hơi bằng nước lã với mì tôm sống, những ngày tới không biết thế nào đây”.
Cùng với bà Khoa, những ngày này, người dân xã Thanh Hóa đang vượt suối, băng rừng đi ra trụ sở ủy ban nhân dân xã để nhận mì tôm cứu trợ. Ôm thùng mì trong tay, anh Nguyễn Bá Năm cười trong nước mắt: “Tưởng là tui đến được sớm nhất nhưng cũng nhiều người leo núi đến trước để nhận hàng cứu trợ về ăn, đói lắm rồi”.
Cõng hai thùng mì tôm trên vai, bà Nguyễn Thị Tìu 67 tuổi vẫn chưa hết bàng hoàng: “Kinh khủng quá, nhà tui để lúa trên sàn nhà mà nước hắn vẫn cứ tràn qua, cả nhà chỉ còn lại một bì lúa ướt sũng, phải chờ nắng lên mới phơi và đi xay được”.
Nhiều người dân ở Quảng Bình, Hà Tĩnh đang phải sống nhờ bằng mì tôm cứu trợ. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Dù cảm thấy ấm lòng hơn phần nào trước những thùng mì cứu trợ kịp thời, song như bà Tìu cho biết "cả nhà tui đang đói, con cái lại đông nên mỗi thùng chỉ ăn được 2 đến 3 ngày là hết, mà cũng không thể sống bằng mì được", vì thế, trong thời gian tới, cái đói với các hộ là không tránh khỏi.
Cùng với tình cảnh phải sống nhờ mì tôm cứu trợ, người dân vùng rốn lũ phải thay phiên nhau lên những con suối để gánh nước từ các khe lạch về sử dụng bởi hệ thống giếng khơi đều đang đục ngầu vì bị nước lũ tràn qua.
Ông Hồ Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, xã Thanh Hóa là một trong những xã ngập sâu nhất của huyện với 457 hộ ngập sâu trong nước, 2 hộ bị trôi mất nhà, 6 hộ bị sập nhà, tất cả các xóm đều bị chia cắt trong mấy ngày liền vì nước lũ. Hiện nay, hầu hết những gia đình bị ngập ở Thanh Hóa đều đang rơi vào cảnh đói ăn, khát uống vì toàn bộ thóc gạo bị lũ cuốn trôi hoặc nhấn chìm, nguồn nước giếng chưa thể sử dụng được…
Nguyên Khoa