Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở khu vực ngã tư Thủ Đức, nhất là vào giờ cao điểm UBND TP HCM đã chấp thuận với đề xuất của Sở GTVT cho xây dựng cầu vượt bằng thép vĩnh cửu song song với xa lộ Hà Nội với số vốn 227 tỷ đồng vào ngày 10/7.
Theo thiết kế, cầu vượt được xây dựng bằng thép, có tuổi thọ 100 năm, mép cầu sát tim xa lộ Hà Nội, cầu lệch về bên phải theo hướng cầu Sài Gòn - Biên Hòa. Có chiều dài 570 m, trong đó phần mặt cầu là 278 m, còn lại là đường dẫn vào cầu. Mặt cầu rộng 16 m với 4 làn xe (3 làn ô tô và một làn xe máy). Đây được xem là phương án xây dựng khả thi nhất trong 3 phương án mà Sở Giao thông Vận tải TP HCM trình UBND thành phố.
| |
Ngã tư Thủ Đức thường xuyên bị ùn tắc, nhất là trong giờ cao điểm do mật độ phương tiện quá lớn. Ảnh: H.C. |
Với phương án xây dựng này, theo Sở GTVT, cầu vượt thép sẽ giải quyết được 75% lưu lượng giao thông qua nút. Mặt bằng xa lộ Hà Nội hiện tại đủ để thực hiện, đảm bảo giao thông và mặt bằng công trường. Công trình có thể làm ngay, thời gian thi công ngắn nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Trong tương lai có thể thực hiện tiếp giai đoạn 2 là xây dựng một cầu vượt 4 làn xe bên cạnh để đảm bảo 8 làn ô tô dọc theo xa lộ Hà Nội, đủ khả năng khai thác theo đúng quy hoạch tuyến đường này.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều băn khoăn với phương án xây dựng cầu vượt bằng thép này. Nhiều chuyên gia xây dựng, việc xây cầu vượt bằng thép sẽ tốn nhiều tiền, đồng thời sẽ không phù hợp với sơ đồ quy hoạch nút giao thông hoàn chỉnh tại khu vực này.
Phân tích của các chuyên gia cho rằng ngã tư Thủ Đức là vị trí đỉnh dốc hướng từ Bình Thái lên Thủ Đức, vì vậy, việc xây dựng cầu vượt sẽ làm tăng thêm độ dốc của tuyến đường. Vì vậy, với độ dốc này, xe container, xe tải nặng chắc chắn sẽ rất khó khăn để lên cầu vượt, đồng thời cũng không đảm bảo an toàn giao thông. "Thay vào đó, nếu xây hầm chui theo hướng xa lộ Hà Nội thì độ dốc nhỏ hơn rất nhiều, xe cộ lưu thông sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, địa chất khu vực ngã tư Thủ Đức khá tốt nên làm hầm chui 8 làn xe, chiều dài hơn cả cầu vượt thép cũng chỉ mất khoảng 400 tỷ đồng", chuyên gia này nói.
Một chuyên gia khác cũng cho biết, việc xây cầu vượt có lợi thế là mất ít thời gian hơn, vì xây hầm chui sẽ mất từ 2 đến 4 năm. Tuy nhiên, hầm bê tông cốt thép sẽ có tuổi thọ cao hơn cầu thép. Ngoài ra, nếu xây hầm chui thì cảnh quan khu vực ngã tư thủ đức sẽ có thẩm mỹ hơn.
| |
Phối cảnh ngã tư Thủ Đức theo phương án hầm chui. |
Theo tính toán của Sở GTVT, với 277 tỷ chỉ mới là một làn cầu với 4 làn xe, sau này sẽ mở rộng thêm một làn nữa để đảm bảo 8 làn song song theo xa lộ Hà Nội, tổng số vốn cho cả 2 giai đoạn vào khoảng hơn 550 tỷ đồng.
Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 2, chủ đầu tư dự án xây dựng cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức, sở dĩ thành phố chọn phương án xây cầu vì thời gian thi công nhanh, chỉ mất chừng bảy tháng, để giải quyết ngay ùn tắc giao thông. Trong khi xây dựng hầm chui sẽ mất 3-4 năm thì thiệt hại về ùn tắc giao thông diễn ra hằng ngày sẽ rất lớn.
Trước những băn khoăn đó, tại cuộc họp bàn về xây dựng cầu vượt giảm ùn tắc ở khu vực này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo Sở GTVT rà soát lại hồ sơ nghiên cứu đã có của phương án xây dựng nút giao thông Thủ Đức (bao gồm phương án xây hầm chui hoặc cầu vượt dọc xa lộ Hà Nội, hầm chui hoặc cầu vượt dọc tuyến đường Lê Văn Việt - Võ Văn Ngân, hầm chui kết hợp cầu vượt trên xa lộ Hà Nội) để xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy.
Trao đổi với VnExpress.net, một cán bộ Sở GTVT cho biết, đến nay UBND TP vẫn chưa có chỉ đạo mới nên phương án xây dựng cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức vẫn sẽ được tiếp tục tiến hành.
Hữu Nguyên