Theo thiết kế, cầu vượt được xây dựng bằng thép, có tuổi thọ 100 năm, mép cầu sát tim xa lộ Hà Nội, cầu lệch về bên phải theo hướng cầu Sài Gòn - Biên Hòa. Cầu có chiều dài 570 m, trong đó chiều dài phần cầu là 278 m, phần còn lại là đường dẫn vào cầu và mặt cầu rộng 16 m với 4 làn xe (3 làn ôtô và một làn xe máy). Đây được xem là phương án xây dựng khả thi nhất trong 3 phương án mà Sở Giao thông Vận tải TP HCM trình UBND thành phố.
Phối cảnh cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức. |
Với phương án xây dựng này, theo Sở GTVT, cầu vượt thép sẽ giải quyết được 75% lưu lượng giao thông qua nút. Mặt bằng xa lộ Hà Nội hiện tại đủ để thực hiện, đảm bảo giao thông và mặt bằng công trường. Công trình có thể làm ngay, thời gian thi công ngắn nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Trong tương lai có thể thực hiện tiếp giai đoạn 2 là xây dựng một cầu vượt 4 làn xe bên cạnh để đảm bảo 8 làn ôtô dọc theo xa lộ Hà Nội, đủ khả năng khai thác theo đúng quy hoạch tuyến đường này.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức là một dự án cấp bách mà UBND TP HCM đã chấp thuận theo đề xuất của Sở GTVT nhằm giảm ùn tắc cho khu vực này. Dự án cũng được Chính phủ tạo điều kiện với những cơ chế đặc thù (chỉ định thầu rút gọn) nhằm nhanh chóng triển khai và đưa vào sử dụng.
"Tôi đề nghị ngay sau lễ khởi công chủ đầu tư và nhà thầu phải thi công ngay, không được động thổ xong rồi để đó như thói quen lâu nay. Dứt khoát phải hoàn thành cầu vượt này trước Tết Nguyên đán, Sở GTVT đã hứa với Ủy ban, chúng tôi cũng đã hứa với nhân dân thành phố. Tuyệt đối không được trễ hẹn", ông Tín nhấn mạnh.
Ngã tư Thủ Đức (giao giữa xa lộ Hà Nội, đường Lê Văn Việt và đường Võ Văn Ngân) thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm do mật độ phương tiện quá đông. Ảnh: Hữu Công. |
Cây cầu vượt bằng thép đầu tiên tại TP HCM sẽ do Tổng công ty xây dựng Thăng Long thi công theo hình thức chỉ định thầu đã được Chính phủ cho phép đối với những dự án mang tính chất cấp bách. Đây cũng là đơn vị đã xây dựng thành công 2 cầu vượt lắp ghép bằng thép và đã đưa vào sử dụng ở Hà Nội là cầu vượt Tây Sơn - Chùa Bộc và Láng Hạ - Thái Hà.
Quá trình nghiên cứu thực hiện chỉ đạo trên ở nút giao thông Thủ Đức, Sở Giao thông đã đề xuất 3 phương án. Thứ nhất là xây dựng cầu vượt theo hướng Võ Văn Ngân - Lê Văn Việt, mặt cắt ngang 9 m gồm 2 làn xe ôtô và 2 làn xe máy, với tải trọng dành cho các loại xe buýt, xe con và xe máy. Thứ hai là sẽ xây hầm vượt 8 làn xe dọc xa lộ Hà Nội và phương án thứ ba xây dựng cầu vượt vĩnh cửu theo hướng Xa lộ Hà Nội rộng 16 m gồm 4 làn xe ôtô, sau này có thể mở rộng thêm 4 làn xe bên cạnh.
Theo phân tích của Sở GTVT, phương án thứ nhất dù cần số vốn ít hơn (100-130 tỷ đồng) nhưng chỉ giải quyết được 16% lưu lượng giao thông qua nút. Mặt bằng thi công rất chật hẹp, đường gom 2 bên cầu chỉ còn 5-6 m, tổ chức giao thông trong quá trình thi công và khai thác sau này khó khăn. Về tương lai khi thi công hoàn chỉnh nút giao thông Ngã tư Thủ Đức phải tháo dỡ cầu.
Còn phương án hai việc thực hiện hầm 8 làn xe không phân kỳ đầu tư được. Thời gian thi công dài khoảng 37 tháng sau khi có đủ mặt bằng xa lộ Hà Nội theo quy hoạch 113,5 m. Nhưng hiện nay chưa thể khởi công ngay được do chưa có mặt bằng. Tổng mức đầu tư của phương án hầm 8 làn xe lớn hơn (khoảng 720 tỷ đồng). Vì vậy UBND TP HCM đã quyết định chọn phương án thứ 3.
Hữu Công