Thành phố đề nghị sau khi có kết quả kiểm định, Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước phải yêu cầu đơn vị có lỗi gây ra vết nứt các đốt hầm dìm Thủ Thiêm hoàn trả ngân sách phần kinh phí đã được tạm ứng.
"Hiện, các cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình chọn tư vấn độc lập. Số tiền trên là khoản dự trù cần thiết để thực hiện hợp đồng với các tư vấn này", ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải - Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố, khẳng định.
Thành phố yêu cầu các bên liên quan nhanh chóng tìm ra nguyên nhân dẫn tới sự cố nứt hầm Thủ Thiêm. Ảnh: Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây |
Trao đổi với VnExpress.net chiều nay, ông Vương Hoàng Thanh, Trưởng phân ban dự án Đại lô Đông Tây, cho biết sắp tới các công việc liên quan đến thi công hầm Thủ Thiêm sẽ chậm ít nhất là 2 tháng do quá trình đánh giá và sữa chữa sự cố ở 4 đốt hầm dìm.
Theo ông Thanh, hiện Ban quản lý đang chờ các đơn vị tư vấn độc lập nước ngoài nộp hồ sơ để xét duyệt.
Hầm Thủ Thiêm - một trong những hạng mục của dự án Đại lộ Đông Tây được khởi công xây dựng từ năm 2005, tuy nhiên đến tháng 8/2008, 4 đốt hầm dìm bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt, rạn kéo dài từ 2 đến 3 m, bề rộng lớn nhất của vết nứt đến 1 mm và ngày càng lan rộng trên bề mặt. Thậm chí đã xuất hiện tình trạng nước thấm từ trên trần hầm xuống rất nguy hiểm.
Nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cho sự cố như: co ngót bê tông, bố trí thép cấu tạo chưa hợp lý, khả năng tay nghề công nhân... nhưng đến nay, nguyên nhân chính vẫn bị đặt dấu hỏi và chưa có câu trả lời.
Với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, hầm Thủ Thiêm là công trình hầm dìm ngầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á. Đường ngầm này chui xuống đất với độ nghiêng 4%, dìm dưới đáy sông Sài Gòn bằng 4 đốt, mỗi đốt dài 93 m, rộng 33 m, cao 9 m, ở độ sâu xấp xỉ 14 m so với mặt nước. Dự kiến đầu năm 2010, hầm Thủ Thiêm chính thức được vận hành
Kiên Cường