Kết quả quan trắc trên 4 khối của đốt 1 cho thấy: vết nứt có tăng lên về số lượng, chiều rộng và dài. Dự báo đối với các đốt khác vết nứt cũng phát triển tương tự theo thời gian và vị trí.
Nhà thầu Obayashi - Nhật Bản cho rằng những vết nứt này sẽ ảnh hưởng rõ rệt tới những đốt hầm. "Đối với những vết nứt lớn hơn 0,28 mm, cần phải sửa chữa thì tuổi thọ của kết cấu mới được cải thiện".
Báo cáo cũng dẫn lời Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) - Nhật Bản là "theo quan điểm của đơn vị tư vấn thì tình trạng trên sẽ gây ảnh hưởng đến độ bền của bêtông trong tương lai". Mặt khác, do nhà thầu chưa đánh giá đầy đủ khả năng chịu tải của các đốt hầm sau khi dìm nên phía tư vấn cũng không thể biết được độ bền công trình hiện tại nếu không có biện pháp sửa chữa thích hợp. Do vậy, có lý do để PCI lo ngại hiện tượng thấm nước qua các vết nứt trên đỉnh hầm lâu ngày sẽ gây ra lở mảng bêtông rơi xuống, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông khi công trình hoàn thành.
Đây là lần thứ hai, sự cố tại hầm chui vượt sông đầu tiên tại Việt Nam được cảnh báo. Theo báo cáo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, hồi tháng 5 ngay khi các đốt hầm được đúc xong, ở 2 vách và nắp đã xuất hiện nhiều vết rạn kéo dài từ 2 đến 3 m, bề rộng lớn nhất của vết nứt đến 1 mm (độ sâu vết nứt chưa được xác định cụ thể (nhà thầu Quatest 3 đang tiến hành đo đạc).
Các vết nứt ban đầu được xác định là ở vị trí giữa những phân đoạn đổ bê tông, rộng 0,3 mm (theo quan sát bằng mắt thường) kéo thẳng đứng gần như hết chiều cao của đốt hầm. Vấn đề đáng báo động nữa, các tấm thép bịt đầu đốt hầm, cốt thép kết cấu chưa được bảo vệ tốt trước và trong khi thi công nên đã xuất hiện tình trạng rỉ sét.
Tuy nhiên, sau đó trao đổi với VnExpress.net nhiều chuyên gia cho rằng những vết nứt này chỉ là vết rạn chân chim trên bề mặt bêtông và không đáng lo ngại. Việc khắc phục rạn tương đối không quá phức tạp như chỉ cần quét phụ gia chuyên dụng để bít các vết nứt...
Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn đang bị đe dọa bởi các vết nứt. Ảnh: Mô hình thiết kế của Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây. |
Lời cảnh báo về các vết nứt ngang dọc, xiên trên bề mặt của hầm dìm có khả năng làm ngấm nước mưa và ảnh hưởng tới chất lượng công trình được báo cáo đưa ra lúc đó không được Ban quản lý dự án, các nhà thầu chú ý "đặc biệt".
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính xuất hiện các vết nứt là do co ngót bê tông cộng thêm: không kiểm soát được lượng nước dùng cho 1 m3 bê tông; công tác bảo dưỡng độ bay hơi của hơi nước trong bê tông không đúng quy trình; bố trí thép cấu tạo chưa hợp lý...
Còn nhà thầu Obayashi- Nhật Bản giải thích trong báo cáo, vì hàm lượng nước trên xi măng ít, cùng việc phân tầng trong bê tông, điều kiện môi trường làm tăng các vết rạn. Thế nhưng, theo nhà tư vấn PCI ngoài các lý do trên, bêtông nứt còn có một phần nhỏ do vật liệu xi măng loại nhiệt thủy hóa thấp có đặc tính dễ trương nở khi nắng, đương nhiên sự cố vẫn có thể còn do tay nghề của công nhân.
Nhà thầu Obayashi đề xuất biện pháp: đối với chiều rộng vết nứt nhỏ hơn 0,1 mm thì không cần phải sửa chữa. Với vết nứt rộng từ 0,1 mm đến 0,2 mm: phủ keo Epoxy lên bề mặt vết nứt bằng loại vật liệu chuyên dụng... Đối với mặt ngoài của đốt hầm, sẽ kiểm tra hình dạng vết nứt để sửa chữa trước khi phun chống thấm bên ngoài theo thiết kế. Mặt trong của đốt hầm dìm phải được kiểm tra sửa chữa sau khi đánh dìm và đắp trả.
Quan điểm của Tư vấn PCI cho rằng phương án xử lý cơ bản của nhà thầu là phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, phương án này áp dụng đối với vết nứt ở tường bên và bản đỉnh là không chính xác, bởi lựa chọn các vết nứt để sửa chữa không chỉ căn cứ vào sự thay đổi của lớp bê tông bảo vệ và chiều rộng vết nứt mà còn có các yếu tố khác như chức năng, tầm quan trọng, tuổi thọ và mục đích của kết cấu.
Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây đồng ý với đánh giá của PCI, và cho rằng nhà thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng tiến độ theo hợp đồng.
Trao đổi với VnExpress.net sáng 18/8, ông Đoàn Xuân Ngọc, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây cho biết, hiện tất cả hồ sơ đã được chuyển cho Hội đồng nghiệm thu nhà nước. Có thể đến cuối tuần cơ quan này sẽ có trả lời chính thức.
Hầm chui dưới đáy sông Sài Gòn thuộc dự án đại lộ Đông Tây, là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam. Theo thiết kế, đường ngầm này bắt đầu chui xuống đất bởi 2 đoạn dẫn ở hai bờ quận 1 và quận 2, với độ nghiêng 4%.
Với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, hầm sẽ dìm dưới lòng đất bằng 4 đốt, mỗi đốt dài 93 m, rộng 33 m, cao 9 m, ở độ sâu xấp xỉ 14 m so với mặt nước giữa sông Sài Gòn. Dự kiến đầu năm 2010 hầm Thủ Thiêm chính thức được vận hành.
Kiên Cường