Các chuyên gia trong ngành xăng dầu khẳng định tình trạng tài xế xe bồn rút ruột xăng, pha chế dung môi kém chất lượng vào bồn để thay thế, đã tồn tại từ nhiều năm nay. "Những công ty không đủ năng lực vận chuyển phải dùng xe của đại lý, cây xăng hoặc xe tư nhân nên khâu vận chuyển luôn luôn có vấn đề", ông Trần Văn Xiêm, Phó chi cục trưởng Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam cho biết.
Ông Xiêm khẳng định đã thấy thực trạng này từ lâu và cũng đã có nhiều kiến nghị nhưng chưa có kết quả. Năm 2011 khi thấy chất lượng mẫu xăng có vấn đề, chi cục đã rà soát thì kết quả cho thấy đầu mối cung cấp hàng vẫn tốt. Chi cục cho rằng: "Như vậy, vấn đề chắc chắn ở khâu vận chuyển".
"Phải xem lại khâu xe bồn vận chuyển, đây là kẽ hở để ăn xăng, pha xăng bẩn. Có thực tế là khu vực TP HCM ít có vi phạm nhưng tại các tỉnh lân cận thì tình trạng này xảy ra càng nhiều. Điều đó cho thấy xe bồn vận chuyển có nhiều trạm rút ruột xăng", ông Xiêm nói.
![]() |
Một xe bồn đang rút ruột xăng. Ảnh: Trường Long |
Ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Sài Gòn Petro cũng thừa nhận có tình trạng này nhưng khó kiểm soát vì đến 80% xe bồn vận chuyển là của khách hàng. Chỉ 20% xe bồn là của công ty, có gắn thiết bị theo dõi hành trình.
Đại diện PVOil cho biết, nếu là xe bồn của công ty hoặc các đại lý trực thuộc thì khi vận chuyển sẽ có người đi theo giám sát. Song phần lớn xe do tư nhân hoặc khách hàng thuê thì khó kiểm tra được tài xế làm gì trong quá trình đưa xăng từ kho đến cửa hàng cơ sở.
Theo quy trình, xăng từ Tổng kho xăng dầu sẽ được đổ vào xe bồn vận chuyển, sau đó được niêm chì đàng hoàng, có mẫu lưu để đối chiếu. Xe bồn vận chuyển đến các cửa hàng kinh doanh xăng, tại đây sẽ xem xét niêm chì và lấy mẫu lưu.
Tuy nhiên, trên thực tế quy trình tưởng như chặt chẽ này tồn tại nhiều lỗ hổng. Giới "ăn xăng" hoàn toàn có khả năng làm giả niêm chì, tháo niêm chì để rút ruột xăng. Các cửa hàng xăng dầu thì không thể nhận biết niêm chì giả và kiểm tra chất lượng xăng dầu. Như thế, xăng bẩn hàng ngày vẫn len lỏi lưu thông trên thị trường.
Lãnh đạo một công ty đầu mối tại TP HCM cho rằng khi rút ruột xong, thông thường dung môi được đổ vào bồn thêm là methanol. "Methanol có giá chỉ bằng khoảng 60% xăng (methanol khoảng 12.000 đồng một lít), ethanaol thì đắt hơn, nên họ pha methanol để kiếm lời", lãnh đạo này cho biết thêm.
Để khắp phục tình trạng này, Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam đưa ra giải pháp là các đầu mối xăng dầu phải chịu trách nhiệm, không nên bỏ rơi xe bồn mặc sức tung hoành như hiện nay.
"Muốn dừng xe kiểm tra thì phải phối hợp với cả công an, chứ chỉ chi cục không thể làm được việc này. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng xăng dầu trên địa bàn", ông Xiêm thẳng thắn.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Quản lý thị trường TP HCM cho biết hiện cơ quan công an đã vào cuộc để rà soát các thông tin xe bồn "ăn xăng" mà báo chí đăng tải. "Các công ty kinh doanh xăng dầu phải chịu trách nhiệm quản lý những xe vận chuyển này", ông Đức khẳng định.
Theo điều tra của báo Thanh Niên, tại TP HCM có nhiều xe bồn chở xăng dầu, sau khi lấy hàng từ kho không chở đến các cây xăng, xí nghiệp để bán cho người tiêu dùng, mà tấp vào một số cung đường để pha chế. Trong số này có nhiều xe bồn của các hãng lớn như Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty cổ phần cơ khí xăng dầu trực thuộc Petrolimex… Ước tính mỗi ngày, chỉ riêng khu vực Hoàng Quốc Việt- Huỳnh Tấn Phát tại TP HCM có hàng trăm nghìn lít xăng “bẩn” được tung ra thị trường. Ngay sau các thông tin nói trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Petrolimex kiểm tra đơn vị thành viên về hiện tượng rút ruột, pha chế xăng dầu.
Liên quan đến việc gian lận chất lượng xăng dầu tại 11 cửa hàng xăng ở TP HCM, ngày 9/1, UBND TP HCM đã quyết định rút giấy phép thêm 3 đơn vị nữa. Theo đó, Doanh nghiệp Trần Quang Tuyến, huyện Bình Chánh, bị phạt 14 triệu đồng, tước giấy phép từ 1/2 đến 5/7. Doanh nghiệp Phú Hoàng, quận Tân Bình phạt 30 triệu đồng, tước giấy phép từ 1/2 đến 23/5. Doanh nghiệp Minh Đạt, huyện Bình Chánh bị phạt 30 triệu đồng, tước giấy phép từ 1/2 đến 25/4. Trước đó, ngày 4/1, Ủy ban cũng làm động thái tương tự với 3 cửa hàng Trường Anh, quận 12; Tân Cảng, quận Tân Phú và Văn Hoàn, quận Bình Tân. |
Kiên Cường
Kinh doanh xăng, dầu: | |
- Petrolimex lỗ khống trên 500 tỷ đồng | |
- Petrolimex có báo cáo kinh doanh xăng dầu không rõ lỗ lãi |