Kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa công bố cho thấy hàng loạt vấn đề trong hoạt động và kết quả kinh doanh của Vinalines giai đoạn 2007 – 2010. Trong đó, 4 vấn đề lớn nhất gồm: mua nhiều tàu cũ, để xảy ra nhiều vụ bắt tàu gây thiệt hại lớn, đầu tư xây dựng vội vàng - ngoài quy hoạch và đầu tư tài chính sai nguyên tắc. Những sai phạm này, cùng với một số yếu tố khách quan, đã dẫn đến kết quả kinh doanh yếu kém của doanh nghiệp, với tổng số lỗ trong 2 năm 2009 – 2010 lên tới hơn 1.686 tỷ đồng, các chỉ số tài chính khác đều đáng quan ngại.
Ngoài khó khăn chung, kết quả kinh doanh yếu kém tại Vinalines có nguyên nhân chủ quan. Ảnh: VNL |
Để phát triển vận tải, trong giai đoạn 2005 – 2010, số liệu thanh tra cho thấy Vinalines đã mua tổng cộng 73 tàu với giá trị hơn 22.850 tỷ đồng (đồng thời bán đi 55 tàu) nhưng đa phần trong số này là mua của nước ngoài, đã qua sử dụng. Chủng loại tàu (đa phần là tàu hàng khô, trọng tải lớn) cũng được đánh giá là không phù hợp với chiến lược phát triển, chưa chú ý đến các loại tàu chuyên dụng. Kết quả lỗ hơn 935 tỷ đồng của công ty mẹ phần nào do việc phát triển đội tàu chưa hợp lý.
Bất cập trong hoạt động kinh doanh của Vinalines cũng được thể hiện khi nhiều tàu bị “bắt” tại nước ngoài, gây gián đoạn hoặc hủy hợp đồng, phí tổn lớn để giải quyết hậu quả (chi phí trong các vụ điển hình như Vinalines Global hay tàu Hoa Sen lên tới hàng triệu USD).
Về xây dựng, trong giai đoạn 2007 – 2010, Vinalines đã góp vốn đầu tư 3 cơ sở sửa chữa tàu biển nhưng đều không có trong kế hoạch phát triển được Thủ tướng phê duyệt trước đó. Ngoài ra, một số công trình xây dựng cảng, mặc dù có trong quy hoạch, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn xuất hiện nhiều sai phạm.
Đính chính: Trong lần đầu xuất bản, bài viết này đã dẫn sai số liệu nợ khó đòi thành hơn 23.000 tỷ đồng. Chúng tôi xin đính chính số tiền nợ khó đòi là 23,062 tỷ đồng. Ban biên tập cáo lỗi cùng Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) và độc giả. |
Riêng việc quản lý tài chính, giống như nhiều tập đoàn, tổng công ty khác trong giai đoạn 2007 – 2010, hoạt động đầu tư của Vinalines được đánh giá là khá dàn trải khi góp vốn vào 158 doanh nghiệp và nảy sinh nhiều bất cập. Doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích gần một nửa số tiền 1.000 tỷ đồng vốn trái phiếu được phép phát hành năm 2010, cho vay công ty con mà không tính lãi, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế ở một số đơn vị… Đặc biệt là để nợ đọng khoản tiền khó đòi lên tới hơn 23 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress.net xung quanh bản kết luận, Phó tổng giám đốc Vinalines – Lê Triêu Thanh thừa nhận hầu hết nội dung được Thanh tra Chính phủ nêu lên, mặc dù cho biết còn nhiều chi tiết cần được kiểm chứng, làm rõ hoặc giải thích thêm. Ông Thanh cũng cho biết một phần nguyên nhân quan trọng đến từ yếu tố khách quan, tổ chức cũng như phương thức điều hành doanh nghiệp trong thời gian qua.
Vụ bắt giữ tàu Global gây nhiều thiệt hại cho Vinalines. Ảnh: Marine Traffic |
Tuy vậy, đại diện Vinalines cũng cho biết, để dẫn đến kết quả kinh doanh không được như mong đợi của doanh nghiệp, nguyên nhân chính đến từ đợt suy giảm “chưa từng thấy” của ngành vận tải biển thế giới suốt từ năm 2008 cho đến nay. “Đợt suy giảm này đã khiến ngay cả những hãng tàu lớn như Maersk, NYK, Neptune Orient… phải chịu lỗ nặng chứ không riêng gì Vinalines”, ông cho biết.
Cụ thể, tháng 7/2008 chỉ số giá cước vận tải biển bất ngờ giảm mạnh từ 14.000 điểm xuống còn 800 điểm và duy trì ở mức thấp từ đó đến nay. Trong khi đó, đội tàu của Vinalines chủ yếu phát triển mạnh trong giai đoạn 2007 – 2008, thời điểm mà “mua hôm trước, hôm sau có lãi”. Do đó, khi khủng hoảng xảy ra, nhiều doanh nghiệp trong tổng công ty trở tay không kịp.
Ngoài ra, đại diện Vinalines cũng cho biết sở dĩ chỉ dám mua các tàu cũ để khai thác là do tiềm lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế: “Ngoại trừ các dự án đóng mới trong nước được vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, còn toàn bộ tiền mua tàu của Vinalines là vay thương mại, do tổng công ty tự vay, tự trả trong điều kiện lãi suất ngày một cao”, ông Thanh chia sẻ.
Cũng theo ông Thanh, Vinalines không dám mạnh tay đầu tư cho các loại tàu chuyên dụng do khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng. “Muốn quản lý, khai thác được các loại tàu chở dầu, container thì doanh nghiệp phải ở một “đẳng cấp khác”, trong khi đó, với điều kiện hạn chế thì đầu tư cho tàu hàng rời sẽ kinh tế hơn, dễ tìm khách hàng hơn”, ông nói.
Cũng vì khó khăn về nguồn hàng, năng lực quản lý… nhiều doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Hàng hải phải cho đối tác thuê trọn gói tàu. Đây cũng là mầm mống cho rất nhiều vụ tranh chấp hàng hải, dẫn tới các vụ bắt giữ tàu. “Nhiều trường hợp đối tác thuê tàu nhưng không thanh toán tiền dầu với một bên thứ ba. Vinalines không biết chuyện này cho tới khi đối tác trả tàu, bên kia lại tìm đến mình để kiện, đòi bắt tàu”, ông Thanh ví dụ.
Tuy vậy, đại diện của Tổng công ty Hàng hải thừa nhận, một số trường hợp bắt giữ, phải chuộc tàu là do sai sót trong việc kinh doanh của Vinalines. Ngoài ra, việc thiếu kinh nghiệm trong quản lý, thẩm định dự án, nóng vội cũng khiến cho đơn vị này gặp nhiều trục trặc, bất lợi khi thực hiện các dự án xây dựng.
Riêng về câu chuyện đầu tư dàn trải, đại diện Vinalines cho biết, đây là tình trạng chung, “phong trào” của các tập đoàn, tổng công ty trong giai đoạn trước, nhưng ông đảm bảo số vốn mà doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành không nhiều, đảm bảo quy định của Nhà nước. Tuy vậy, tiếp thu ý kiến của Thanh tra Chính phủ, đại diện Vinalines cho biết, doanh nghiệp sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm cũng như có phương án khắc phục, thay đổi để cải thiện chất lượng hoạt động, kết quả kinh doanh theo yêu cầu đặt ra.
Trong bản kết luận của mình, Thanh tra Chính phủ cho rằng, hoạt động của Vinalines giai đoạn 2007-2010 yếu kém có nguyên nhân khách quan là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng nguyên nhân chủ quan là sự thiếu đồng bộ, chậm trễ trong quản lý của Bộ Giao thông Vận tải cũng như ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm dẫn tới các hạn chế và sai phạm trong đầu tư, kinh doanh thuộc về tập thể lãnh đạo tổng công ty mà đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và các trưởng ban qua các thời kỳ (2005-2010).
Về các khoản mua sắm của Vinalines, đáng chú ý có trường hợp ụ nổi No83M phục vụ Nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía nam. Mặc dù được sản xuất tại Nhật từ năm 1965 nhưng tổng chi phí cho dự án này lên tới 26,3 triệu USD (gấp đôi dự toán ban đầu). Hiện chi phí duy trì, bảo dưỡng cho thiết bị này vẫn rất lớn. Riêng với trường hợp này, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiếp tục xem xét, làm rõ. |
Đổ 100.000 tỷ đóng thêm tàu tại Vinalines
Nhật Minh