Với lý do xây mới trụ sở cho phù hợp với quy mô của một ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản trị, dự án tổ hợp công trình Vietinbank Tower được khởi động hơn 3 năm trước trên diện tích gần 30.000 mét vuông thuê trong khu đô thị Tây Hồ Tây - Ciputra. Tổ hợp công trình bao gồm một tòa tháp văn phòng khoảng 50 tầng, một khách sạn cao cấp 20-25 tầng, và khu căn hộ cao cấp. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho liên doanh với đối tác Singapore tỷ lệ 50-50 để xây tòa tháp, Vietinbank đã quyết định thuê mảnh đất tại Ciputra với giá 1.800 USD mỗi mét vuông thời hạn dưới 50 năm.
Hợp đồng thuê đất ký từ 26/2/2008 song từ đó tới nay dự án chưa thể triển khai, khiến một số nguồn tin đặt vấn đề về hiệu quả của dự án vì với số tiền thuê dài hạn gần 54 triệu USD tương đương 850 tỷ đồng thanh toán, Vietinbank có nguy cơ thiệt hại ít nhất hơn 100 tỷ đồng nếu tính riêng tiền lãi ngân hàng. Đáng chú ý, giá thuê đất ban đầu được Hội đồng quản trị Vietinbank phê duyệt chỉ là 500 USD mỗi mét vuông, song thực tế tiền thuê đội lên thành 1.800 USD. Toàn bộ số tiền thuê đất dài hạn lẽ ra phải hạch toán theo suốt quá trình thuê theo đúng quy định, song Vietinbank lại hạch toán một lần vào chi phí kinh doanh của năm 2008.
![]() |
Vietinbank vẫn quyết tâm xây dựng trụ sở mới. Ảnh: Hoàng Hà |
Mặt khác, tỷ lệ góp vốn trong liên doanh được Ngân hàng Nhà nước duyệt là 50-50, song trong bản ghi nhớ ký với đối tác tháng 2/2007, Vietinbank chỉ tham gia góp 28% tính theo giá trị quyền sử dụng đất, chi phí hạ tầng… Dư luận cũng đặt câu hỏi về việc ông Phạm Huy Hùng ký biên bản ghi nhớ liên doanh với đối tác Singapore với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank khi đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc. Sau khi người đương nhiệm thôi chức vào cuối 2007, ông Phạm Huy Hùng mới lên làm Chủ tịch hội đồng quản trị.
Trong buổi gặp báo chí ngày 9/1, Phó tổng giám đốc Vietinbank Nguyễn Văn Du cho hay, tại thời điểm ký ghi nhớ với đối tác Singapore, do chưa xác định được chính thức giá thuê đất nên ngân hàng mới tạm dự tính tỷ lệ góp vốn là 28%. Sau quá trình thương thảo, căn cứ mặt bằng giá thị trường thuê đất tại Ciputra lên cao, Vietinbank tính toán giá trị quyền sử dụng đất dư định góp vốn phải lên đến 50% tổng giá trị dự án. Vì vậy ngân hàng đã có văn bản trình và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận mức góp vốn 50%.
Cũng theo Vietinbank, do không thống nhất phân chia quyền lợi, nên việc thỏa thuận để ký hợp đồng liên doanh không thành, đồng thời xảy ra khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, nên ngày 7/2/2008 đối tác đã có thư ngừng hoàn toàn không trao đổi tiếp về liên doanh. Vietinbank vẫn quyết tâm triển khai dự án theo hướng tìm kiếm đối tác liên doanh mới hoặc tự ngân hàng đầu tư 100% vốn. Song do phía Ciputra chậm trễ bàn giao mặt bằng nên đến nay ngân hàng chưa thể triển khai dự án theo kế hoạch.
Vietinbank cho rằng mình hoàn toàn không thiệt hại hay làm thất thoát tiền, bởi mới thanh toán cho phía Ciputra 102,1 tỷ đồng, 749 tỷ đồng còn lại đang được giữ tại tài khoản phong tỏa của chính Vietinbank. Theo hợp đồng thuê đất, Vietinbank được phép chuyển nhượng hoặc cho thuê lại đất đã thuê. Vì vậy, theo ông Du nếu ngân hàng chuyển nhượng hoặc cho thuê thì tính theo giá thực tế hiện tại tới 4.000 USD mỗi mét vuông, ngân hàng vẫn hưởng lợi khoảng 60 triệu USD chênh lệch giá.
Về nghi ngờ ông Phạm Huy Hùng mạo danh chức vụ khi ký bản ghi nhớ với đối tác, ông Du cho rằng xuất phát từ lỗi dịch thuật. Bản ghi nhớ do phía đối tác chuẩn bị, bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Ở phần đại diện Vietinbank, bản tiếng Anh ghi là President - CEO, nếu theo cách dùng của Mỹ thì được hiểu là Tổng giám đốc. Đến khi dịch sang tiếng Việt, cụm từ này đã bị thư ký dịch thành Chủ tịch. “Đây chỉ là lỗi nhỏ, không phải là vấn đề mạo danh”, ông Du nói.
Liên quan tới việc hạch toán 100% số tiền thuê một lần vào chi phí kinh doanh 2008 thay vì phải chia đều theo số năm thuê, Kế toán trưởng Vietinbank khẳng định việc làm này theo cách hiểu của ngân hàng và có căn cứ, dẫn chiếu theo các quy định lúc đó. Tuy nhiên khi có sự bất đồng quan điểm với kiểm toán, Vietinbank đã coi đó là tài sản cố định vô hình, hạch toán 50% và phân bổ số còn lại cho các năm. “Sau này kiểm toán cho rằng về nguyên tắc phải phân bổ đều cho các năm thuê, song nói chúng tôi có thể phân bổ cao hơn nếu đảm bảo tình hình tài chính và phải đăng ký với cơ quan thuế, thì chúng tôi đã tiếp tục làm việc đó”, vị kế toán trưởng giải thích. Cũng theo ông, trong năm 2008 dù hạch toán chi phí kinh doanh cao, Vietinbank vẫn đóng góp nghĩa vụ tài chính với nhà nước ở mức cao.
Phó tổng giám đốc Vietinbank Nguyễn Văn Du khẳng định ngân hàng vẫn quyết tâm thực hiện dự án bởi trụ sợ hiện nay quá chật hẹp, không xứng tầm với một ngân hàng quy mô lớn và không đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung hiện nay. Vietinbank đang đàm phán để ký hợp đồng thuê kiến trúc sư nước ngoài. Phần quản lý, giám sát thi công cũng sẽ mời gọi sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài.
Theo Vietinbank, tổng tài sản của ngân hàng tính tới cuối 2009 là 240.000 tỷ đồng, dư nợ đầu tư cho vay đạt 218.000 tỷ đồng tăng 24,6%, lợi nhuận sau khi trích lập dự phòng rủi ro là 3.018 tỷ đồng, vượt 16% so với kế hoạch. Cuối 2008, khi Vietinbank hạch toán toàn bộ tiền thuê 30.000 mét vuông đất vào chi phí kinh doanh, lợi nhuận trước thuế là hơn 2.400 tỷ đồng, sau thuế đạt hơn 1.800 tỷ đồng, cao nhất nhì trong hệ thống ngân hàng. Tổng tài sản ngân hàng lúc đó là 193.590 tỷ đồng.
Song Linh