Môi trường thương mại tại Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) được tiếp tục được các chuyên gia của Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá là thuận lợi nhất thế giới, tương tự bảng xếp hạng năm 2009. Hai nền kinh tế này bỏ khá xa 3 đại diện còn lại của Top 5 là Đan Mạch, Thụy Điển và Thụy Sĩ trên hầu hết các nhóm chỉ tiêu được xem xét.
New Zealand, Na Uy, Canada, Luxembourg và Hà Lan là những cái tên còn lại của Top 10 trong khi Đức, đại diện xuất sắc nhất các các nền kinh tế lớn, chỉ đứng vị trí thứ 13. Trung Quốc (xếp thứ 48) và Brazil (87) vẫn tại vị trên bảng xếp hạng so với năm 2009 trong khi Mỹ (19), Thổ Nhĩ Kỳ (62), Ấn Độ (84) và Nga (114) đều tụt hạng.
Ông Thierry Geiger, chuyên gia kinh tế của WEF, đồng tác giả của báo cáo Môi trường thương mại toàn cầu 2010. Ảnh: N.M. |
Là nền kinh tế duy nhất trong khu vực Đông Nam Á thăng tiến trên bảng xếp hạng năm nay, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 71 trên thế giới (tăng 18 bậc so với 2009) và thứ 5 trong khu vực (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia).
Theo ông Thierry Geiger, chuyên gia kinh tế của WEF, đồng tác giả của báo cáo, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ cải thiện môi trường thương mại nhanh nhất thế giới hiện nay. Nguyên nhân chính của tiến bộ này là sự kiện gia nhập WTO năm 2007 cũng như những nỗ lực trong việc tự do hóa khu vực sản xuất cũng như dịch vụ trong giai đoạn từ nay đến năm 2012. Điều này được thể hiện khá rõ trong các nhóm chỉ tiêu thành phần được WEF xem xét khi Việt Nam giữ vị trí thứ 50 thế giới về mức độ thuận lợi khi tiếp cận thị trường của doanh nghiệp.
Tuy vậy, giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, vấn đề lớn nhất của Việt Nam, theo WEF, là kiểm soát dòng chảy thương mại xuyên biên giới. Những nỗ lực gần đây nhằm cải thiện hệ thống thuế quan đã giúp Việt Nam tiến 10 bậc tại nhóm chỉ tiêu này. Tuy nhiên, vị trí thứ 107 thế giới vẫn là một con số hết sức khiêm tốn.
Cơ sở hạ tầng giao thông cũng là một cấn đề khác của Việt Nam với vị trí thứ 103 trên bảng xếp hạng. Mật độ sân bay thấp (xếp thứ 104), chất lượng đường bộ kém (95) cũng như thiếu các công trình phụ trợ (93) đã gây cản trở không nhỏ cho quá trình tăng tốc nền kinh tế. Ngoài ra, mức độ cởi mở của nền kinh tế đối với sự tham gia của nước ngoài của Việt Nam cũng chưa được WEF đánh giá cao do mức độ tham gia vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp còn bị hạn chế (xếp thứ 102) cho dù thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI (26) và thu hút lao động nước ngoài (46) đều ở mức khá cao.
So sánh một số chỉ tiêu của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Nguồn: WEF |
Là báo cáo được công bố thường niên của WEF, xếp hạng Môi trường thương mại toàn cầu (Global Enabling Trade Report) được nhóm chuyên gia của Diễn đàn kinh tế thế giới xây dựng dựa trên khảo sát tại 125 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo 9 nhóm tiêu chí: Mức độ tiếp cận thị trường, quản trị hải quan, thủ tục xuất - nhập khẩu, quản trị thương mại xuyên biên giới, hạ tầng giao thông, dịch vụ giao thông, công nghệ thông tin, hệ thống pháp luật và an ninh trật tự. Báo cáo này sẽ được trình bày tại Diễn đàn kinh tế thế giới khu vực Đông Á, diễn ra tại TP HCM cuối tuần này. |
Nhật Minh