Phát biểu trong Hội thảo "Phát triển và Giảm nghèo của các nước đang phát triển thời kỳ hậu khủng hoảng" hôm qua tại Hà Nội, ông James Adams, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương - Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, với thu nhập đầu người trên 1.000 USD, Việt Nam nằm trong nhóm thu nhập thấp thấp nhất châu Á (dưới 2.000 USD) cùng với Bangladesh, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Sri Lanka, Papua New Guinea, Nepal.
Trong nhóm này, Việt Nam ở dưới Mông Cổ (có mức thu nhập đầu người 1.971,5 USD - số liệu năm 2007), Sri Lanka và Papua New Guinea. Theo quan điểm của World Bank, thu nhập đầu người từ 1.000 đến khoảng trên 2.000 USD vẫn được xem là nước có thu nhập thấp.
Cũng tại hội thảo hôm qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra báo cáo trong đó xếp Việt Nam vào nhóm các nước thu nhập thấp (Low Income Countries), để phân biệt với các nước đang nổi (Emerging Countries) như Trung Quốc, Ấn Độ.
Những nhận xét trên đây khác biệt so với đánh giá của chính các tổ chức này vài tháng trước. Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) diễn ra cuối năm ngoái ở Hà Nội, các chuyên gia nhận định Việt Nam đã "thò một chân" vào ngưỡng thu nhập trung bình. Nhiều khoản vay ODA từ Nhật Bản, WB đã dần chuyển từ dạng lãi suất ưu đãi cho quốc gia thu nhập thấp sang khoản vay kém ưu đãi hơn dành cho nước có mức thu nhập cao hơn.
Hội thảo "Phát triển và Giảm nghèo của các nước đang phát triển thời kỳ hậu khủng hoảng" diễn ra tại Hà Nội trong ngày 22/3. Ảnh: N.M. |
Các nước ở ngưỡng như Việt Nam cần ít nhất 50 năm để vươn lên, thoát khỏi mức thu nhập thấp. Để đẩy nhanh giai đoạn này, Phó chủ tịch WB James Adams cho rằng Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, vốn là những thách thức cũ đã được đề cập nhiều.
Theo ông Somchai Jitsuchon, Giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan, các nước thu nhập thấp tại châu Á, trong đó có Việt Nam, gặp 4 thách thức lớn là giải quyết nợ chính phủ, quản lý các dòng vốn, tăng cường đầu tư, tiếp tục giải quyết vấn đề đói nghèo, bất bình đẳng.
Ông John Lipsky, Phó Tổng giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Ảnh: N.M. |
Chung quan điểm này, ông John Lipsky, Phó tổng giám đốc IMF cho rằng các nước châu Á cần củng cố tăng trưởng bền vững dựa trên sự ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này đặc biệt đúng ở các nước có thâm hụt ngân sách, nợ công lớn, tăng trưởng tín dụng và lạm phát ở mức cao trong khi dự trữ ngoại tệ lại thấp.
Bên cạnh đó, cải cách cấu trúc cũng nên được ưu tiên nhằm nâng cao tính cạnh tranh. Thách thức không nhỏ với châu Á là cơ sở hạ tầng. Chênh lệch phát triển cơ sở hạ tầng giữa các nước trong khu vực khá lớn.
"Tuy nhiên, châu Á Thái Bình Dương hiện vẫn là khu vực phát triển năng động nhất thế giới", ông John Lipsky nhận định. Trong năm 2009, trong khi toàn thế giới tăng trưởng 1%, riêng khu vực này đạt thành tích 4,5%, trong đó có tốc độ tăng trưởng ấn tượng là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Đến năm 2010, châu Á được dự báo sẽ tăng trưởng 10% so với con số 4% của toàn cầu.
Trong đó, IMF nhận định năm 2010, Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% và lên con số 6,5% vào năm 2011. Thành tích này tốt hơn nhóm các nước có thu nhập thấp nhất châu Á, chỉ tăng trưởng dự kiến 5,6% trong năm 2010 và 6,2% trong năm 2011. Nhóm các nước đang nổi lên, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, tăng trưởng dự kiến 8,5% trong năm nay.Thanh Bình