Thống đốc Nguyễn Văn Giàu không nằm trong danh sách các thành viên Chính phủ phải đăng đàn tại Quốc hội kỳ này, nhưng sáng 23/11 ông cũng tham gia giải trình cùng Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh về vấn đề thị trường, giá cả.
Biến động trên thị trường vàng, ngoại tệ thời gian qua được cho là một nguyên nhân khiến giá tiêu dùng tăng cao, cho dù cả hai đã được loại ra khỏi rổ hàng hóa tính chỉ số giá (CPI). Theo Thống đốc Giàu, giá vàng thế giới năm nay tăng giảm thất thường, từ dưới 1.200 USD tháng 7 đến đầu tháng 11 đã lên tới 1.424 USD một ounce, chủ yếu do các nước lớn điều chỉnh chính sách kinh tế và giới đầu cơ gia tăng hoạt động.
Diễn biến giá vàng thế giới đã tác động mạnh tới thị trường trong nước. Việt Nam không phải là nước sản xuất và xuất khẩu vàng nhưng theo ông, gần đây hoạt động kinh doanh vàng phát triển rất nhanh, và hoạt động đầu cơ cũng xuất hiện.
Dẫn số liệu 12 năm qua, đại diện cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về quản lý xuất nhập khẩu vàng miếng như muốn khẳng định lượng vàng ra vào Việt Nam có lớn song không quá "khủng" như một nguồn tin gần đây công bố. Theo ông Giàu, từ 1998 đến 2010, Việt Nam nhập khẩu 339,8 tấn và nhập khẩu 268,8 tấn, như vậy nhập siêu vàng chỉ vào khoảng 71 tấn. Trong khi đó, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới đây dẫn số liệu của Hội đồng Vàng thế giới cho biết lượng vàng còn đọng lại trong nền kinh tế sau 10 năm xuất nhập khẩu lên tới 1.000 tấn.
Tuy nhiên, ông Giàu thừa nhận hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh từ 2003 và đặc biệt có biểu hiện đầu cơ trong hai năm 2009-2010. "Biến động giá vàng thời gian qua có thể từ cung cầu, nhưng vì có cả dấu hiệu đầu cơ nên các giải pháp xử lý tình thế phải đánh cả vào tâm lý, đặc biệt là cho phép nhập vàng để tạo tâm lý ổn định của thị trường trong nhân dân", ông Giàu nói. Trong tháng 11, lần thứ hai trong vòng 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã mở quota cho phép gần 10 đơn vị nhập khẩu vàng.
Cùng với giải pháp xử lý tình thế, ông Giàu cho biết Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án hoàn chỉnh để xử lý thị trường vàng với 2 kịch bản khác nhau, song sẽ thiên về hướng khai thác số vàng đang đọng trong xã hội để đưa trực tiếp vào sản xuất kinh doanh, tạo giá trị gia tăng cho xã hội, thay vì huy động vào trong ngân hàng.
Liên quan tới vấn đề tỷ giá, Thống đốc Giàu cho rằng những khó khăn trên thị trường ngoại hối thời gian qua chủ yếu do thâm hụt cán cân tổng thể, đặc biệt là nhập siêu. Năm 2009 mặc dầu Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp rất cố gắng nhưng cán cân tổng thể vẫn thâm hụt 8,8 tỷ USD. Năm nay, con số này được kỳ vọng giảm xuống còn 4 tỷ USD và nhiều khả năng có thể chỉ còn trên dưới 2 tỷ USD nếu kiểm soát nhập siêu ở mức trên dưới 12 tỷ USD.
Vì vậy, theo Thống đốc, giải pháp căn cơ và lâu dài để ổn định tỷ giá chính là kiểm soát nhập siêu, chứ không chỉ dùng tiền dự trữ ngoại hối quốc gia để can thiệp mạnh ra thị trường như đề xuất của một số chuyên gia gần đây.
"Muốn kiểm soát được nhập siêu phải xem lại các chính sách của chúng ta, từ chính sách tài khóa, kể cả chính sách tiền tệ, làm sao để tác động giảm cầu. Đồng thời trong nước cần gia tăng sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp phụ trợ. Chúng tôi rất mong các bộ, ngành tiếp tục ủng hộ", ông Giàu nói.
Song Linh