Việc xem xét khả năng gia hạn thời gian Việt Nam được phép vay ưu đãi là nội dung của buổi làm việc giữa Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Phó chủ tịch phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) - Pamela Cox sáng 26/7.
Bộ Tài chính cho biết Việt Nam không muốn "tốt nghiệp sớm" IDA. Ảnh: MOF |
- Trước tháng 2/2010, VN hoàn toàn được vay IDA với lãi suất và phí cam kết 0%, phí dịch vụ 0,75% một năm. Thời gian vay 40 năm với 10 năm ân hạn. - Kể từ tháng 2/2010, VN bắt đầu phải vay IBRD, các điều kiện vay IDA cũng ít ưu đãi hơn (lãi 1,25%, phí dịch vụ 0,75%, phí cam kết tối đa 0,5% một năm. Thời gian vay 25 năm, trong đó có 5 năm ân hạn. - Năm 2012, Việt Nam vay được từ WB cho 8 dự án, trong đó có 1,05 tỷ USD vốn IDA, 100 triệu USD vốn IBRD. |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, mặc dù thu nhập bình quân hiện đã bước vào ngưỡng trung bình thấp nhưng tỷ lệ nghèo ở một số địa phương khó khăn tại Việt Nam vẫn còn cao. “Tôi vừa kết thúc chuyến công tác tại 11 tỉnh. Ở một số địa phương, đơn cử như Hậu Giang, dù rất gần một đô thị lớn là Cần Thơ nhưng tỷ lệ nghèo vẫn lên tới 19%. Do vậy, Việt Nam vẫn cần những nguồn vốn ưu đãi để thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững”, Bộ trưởng cho biết.
Ngoài ra, đại diện Chính phủ cũng cho rằng vốn vay ưu đãi rất cần thiết đối với một quốc gia nhạy cảm với hệ quả của biến đổi khí hậu như Việt Nam. Do đó, Việt Nam chưa muốn “tốt nghiệp sớm” IDA. Trong khi đó, thực tế cũng cho thấy trong số 36 nước “tốt nghiệp” trước đó, đã có 11 trường hợp phải quay lại sử dụng nguồn ưu đãi. Do vậy, việc chuẩn bị bước đệm đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam là rất cần thiết.
Theo kế hoạch, vào tháng 11 tới, WB sẽ tổ chức Hội nghị giữa kỳ đánh giá việc huy động, sử dụng vốn IDA. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thuyết phục các nhà tài trợ tiếp tục giải ngân nguồn vốn ưu đãi nêu trên. Theo đại diện của WB, nếu từ nay đến thời điểm đó, Việt Nam có thể đàm phán và ký kết được khoảng 40% tổng vốn (khoảng 1,6 tỷ USD) thì khả năng được gia hạn là chắc chắn. Đại diện Chính phủ cũng cho biết các bộ ngành cũng đang tích cực phối hợp để thực hiện quá trình này.
Trao đổi tại cuộc họp, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng khẳng định muốn kéo dài thời gian vay IDA không có nghĩa là Việt Nam ỷ lại, không coi trọng nguồn IBRD. Theo người đứng đầu ngành tài chính, nguồn vốn này sẽ được bố trí vào các dự án có khả năng hoàn trả như điện, nước, cho vay lại và hoàn trả bằng ngân sách địa phương…
Cũng theo Bộ trưởng, vướng mắc lớn nhất hiện nay khi giải ngân các dự án là nguồn đối ứng của Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã lo đủ vốn đối ứng cho toàn bộ tài khóa 2012. Cơ quan chức năng cũng tiến hành xem xét lại cơ cấu vốn đối ứng theo hướng giảm nhẹ gánh nặng cho địa phương (hiện địa phương phải chịu 90% vốn đối ứng cho các dự án).
Ngoài vấn đề nêu trên, tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính cũng đề nghị WB tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu đầu tư, ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, một đề nghị cụ thể được đưa ra là hỗ trợ tài chính để nâng cao năng lực Công ty Mua bán nợ (DATC) của Bộ, qua đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp.
Đáp lại những đề nghị nêu trên, bà Pamela Cox cũng cam kết duy trì sự hỗ trợ, hợp tác lâu dài giữa WB và Việt Nam. Bà cũng khẳng định WB sẽ không sớm đưa Việt Nam ra khỏi “tổ ấm” IDA.
Nhật Minh