Sáng 12/3/2012, nhân dịp Phái đoàn Kinh tế Vương quốc Bỉ do Ngài Thái tử Philippe dẫn đầu sang thăm chính thức Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tổ chức Hội thảo “Giới thiệu công nghệ của Bỉ trong phát triển cảng biển, Hạ tầng giao thông và Dịch vụ hậu cần”.
Theo ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, giai đoạn 2011 – 2015, vốn yêu cầu cho các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông lên tới khoảng 800.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 40 tỷ USD).
Trong đó, các dự án chủ đạo gồm dự án đường cao tốc Quảng Ngãi – Quy Nhơn (1,75 tỷ USD), đường cao tốc Quy Nhơn – Nha Trang (1,5 tỷ USD), đường vành đai 4 Hà Nội (3,25 tỷ USD), dự án sân bay quốc tế Chu Lai (1,9 tỷ USD), sân bay Long Thành (5,15 tỷ USD), dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu (0,75 tỷ USD), đường sắt khai thác bô xít Đắc Nông – Bình Thuận (0,725 tỷ USD), đường sắt TP.HCM – Cần Thơ (1,4 tỷ USD).
Lĩnh vực cảng biển có các dự án xây dựng 2 bến cảng ở Cái Mép – Thị Vải, cụm cảng phức hợp Bà Rịa – Vũng Tàu có quy mô đầu tư dưới 100 triệu USD; cảng quốc tế Đà Nẵng và cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong được dành ưu tiên cho các nhà đầu tư tư nhân bằng hình thức tư doanh và nhà nước kết hợp.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển hàng hải. Ảnh: PV. |
Tại hội thảo, các doanh nghiệp Bỉ bày tỏ khả năng tham gia trực tiếp vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển tại Việt Nam, liên doanh, liên kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về công nghệ và kinh nghiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác cảng biển, phát triển hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển cũng như phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp đã giới thiệu công nghệ của Bỉ trong xây dựng và quản lý cảng, xây dựng hạ tầng giao thông và các dịch vụ hậu cần cũng như được tìm hiểu thông tin về các doanh nghiệp hàng đầu của Bỉ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cảng biển, nạo vét luồng, dịch vụ logistics.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức nhấn mạnh, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải nói chung và hàng hải nói riêng luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm ưu tiên đầu tư về mọi mặt. Trong vòng 10 trở lại đây, kinh phí dành cho đầu tư xây dựng mới tăng khoảng 40%, trong khi đó lượng hàng hóa tăng hơn 300%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển nhanh hơn rất nhiều lần so với tốc độ đầu tư xây dựng. Để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam, một trong những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển theo hướng hiện đại, ứng dụng trang thiết bị và công nghệ tiên tiến trong quản lý và khai thác cảng biển.
Thứ trưởng cũng khẳng định, Việt Nam muốn được trao đổi thông tin và kinh nghiệm của Bỉ trong việc phát triển cảng biển và dịch vụ hàng hải. Hội thảo này là cơ hội để các chuyên gia, học giả, các đại biểu trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển cảng biển và dịch vụ hàng hải.
Ngày 11/3, Thái tử Philippe của Bỉ cùng Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bỉ Didier Reynders và 3 vị Bộ trưởng khu vực dẫn đầu phái đoàn thương mại cấp cao gồm 300 DN đến VN nhằm mục đích phát triển thêm mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Bỉ và Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị chính thức vào năm 1973. Kể từ đó, thương mại giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng, đạt mức hơn 1 tỷ USD trong năm 2011, tăng gấp đôi thập kỷ trước. Tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ các công ty Bỉ vào Việt Nam hiện nay khoảng 108 triệu USD chủ yếu tại các lĩnh vực quan trọng như phát triển cảng, công nghiệp thực phẩm, sản phẩm hóa chất, hệ thống chiếu sáng công cộng… Gần đây, Bỉ đang cam kết tăng nguồn tài trợ ODA cho Việt Nam. Hiện nay, Bỉ đóng góp khoảng 25 triệu USD mỗi năm, chủ yếu trong các lĩnh vực như quản lý nguồn nước, giáo dục và học bổng hỗ trợ phát triển năng lực. Trong tương lai, Bỉ cũng sẽ hỗ chú trọng vào việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp. |
Đoàn Loan