Đầu tuần này chị Lan ở quận 3, TP HCM mang một lượng vàng SJC đến tiệm vàng để bán. "Tuy nhiên, sau một hồi săm soi kỹ, bà chủ đã từ chối mua vào với lý do miếng vàng bị trầy xước", chị Lan nói.
Bà Nga, chủ tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, cũng cho hay, trước đây với những miếng vàng bị trầy xước nhẹ, bà vẫn mua với giá niêm yết của SJC và trừ đi 5.000-10.000 đồng. Sau đó, bà mang vàng này tới Công ty SJC để nhờ ép lại bao bì mới với chi phí vài nghìn đồng mỗi lượng là xong.
Riêng những miếng vàng bị móp méo hay cong vênh quá nhiều, bà trừ 50.000 đồng khi mua vào như tiền phí để mang đi gia công lại thành vàng bình thường. Tuy nhiên, bà Nga cho biết, từ ngày 25/5 khi Nghị định 24 có hiệu lực, bà mua của khách một lượng vàng bị trầy xước, mang đến Công ty SJC nhờ ép lại bao bì mới như thường lệ thì bị từ chối. "Nhân viên SJC giải thích lượng vàng này bị trầy nhiều phải gia công lại chứ không thể ép vỉ mới", bà Nga nói.
Bà nhờ gia công lại lượng vàng này cũng bị từ chối với lý do không thể dập vàng miếng tại Công ty SJC hiện nay vì chưa có sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. "Tôi đành mang lượng vàng này về cất trong nhà vì có bán ra cũng không ai mua, hoặc mua theo giá vàng nguyên liệu rẻ hơn cả triệu đồng. Từ đó, tiệm tôi cũng không dám mua vàng trầy xước của khách", bà Nga cho hay.
Vì không được phép của Ngân hàng Nhà nước trong việc gia công vàng miếng nên SJC từ chối mua vào những miếng vàng trầy xước, cong vênh. Ảnh: Lệ Chi. |
Chung tình cảnh, chủ hiệu vàng gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, chia sẻ, tuần rồi ông mang 15 lượng vàng đến Công ty SJC để bán. Thế nhưng, sau một hồi kiểm tra, nhân viên công ty từ chối mua một lượng vàng trong số này với lý do bị trầy xước, không còn nguyên vẹn.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Kinh doanh Công ty vàng bạc Phú Nhuận PNJ cho rằng, từ sau ngày 25/5, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn không nhận gia công các loại vàng miếng thương hiệu SJC bị móp méo nữa nên vô hình trung những miếng vàng này được xem như nguyên liệu chứ không còn là vàng miếng. "Do đó, chúng tôi cũng chỉ mua những miếng vàng SJC móp méo theo giá vàng nguyên liệu, tức thấp hơn giá vàng miếng 600.000-700.000 đồng”, ông nói.
Riêng thương hiệu vàng miếng PNJ, ông Trọng cho biết, với chính sách hỗ trợ cho khách hàng, những miếng vàng PNJ bị móp méo vẫn được công ty mua vào bằng với giá niêm yết trên thị trường.
Tại hệ thống DOJI, từ khi SJC tuyên bố ngừng thu đổi đến nay, công ty vẫn có chủ trương mua loại vàng này không đủ tiêu chuẩn lưu thông với giá ngang như niêm yết và thu một khoản dự phòng phí thu đổi lưu thông. Không tiết lộ chính xác mức phí thu đổi là bao nhiêu, Tổng giám đốc Đỗ Minh Phú chỉ cho biết cao hơn phí thu đổi trước đây và rẻ hơn nếu so với cách các công ty mua của dân với giá vàng nguyên liệu.
"Tôi tin thế nào rồi cũng phải có chính sách thu đổi vàng miếng trầy xước cho khách hàng, nên DOJI cứ thu mua nếu khách có nhu cầu. Nhưng không biết sau này nếu SJC thu mua trở lại, mức phí gia công sẽ là bao nhiêu, nên cũng khó có thể ấn định một mức phí thu đổi cụ thể cho khách", ông Phú giải thích.
Theo ông Phú, khối lượng vàng móp méo trên thị trường không nhiều, cùng lắm là vài nghìn lượng, do đó cách giải quyết không quá phức tạp.
Trong khi đó, giải thích việc từ chối thâu mua vàng do chính công ty mình sản xuất khi bị móp méo, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, trước đây, với những miếng vàng trầy xước, công ty mua lại và trừ đi vài chục nghìn đồng phí gia công. Tuy nhiên, từ ngày 25/5, khi Nghị định 24 có hiệu lực, máy móc thiết bị do Ngân hàng Nhà nước quản lý. "Công ty không thể mua lại những miếng vàng SJC bị móp méo đang lưu thông trên thị trường vì không được phép gia công lại để thành miếng vàng bình thường", ông Tường nói.
Ông cho biết thêm, SJC cũng đang bị tồn một số lượng vàng móp méo trong kho mà không biết giải quyết ra sao. "Do đó, chúng tôi không thể nào mua thêm, bởi mua những miếng vàng này nhiều đồng nghĩa với việc vốn bị găm giữ và không có đầu ra, trong khi nguồn vốn của SJC có hạn", ông Tường bộc bạch.
Trước thiệt hại của người tiêu dùng và sự 'bế tắc' của doanh nghiệp kinh doanh vàng, ông Tường cho biết Công ty SJC đã gửi kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước xin phép được dập lại những loại vàng miếng bị móp, méo đúng với số sêri của miếng vàng cũ. "Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi của Ngân hàng Nhà nước", ông Tường chia sẻ.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang xem xét vấn đề trên "Chúng tôi sẽ sớm đưa ra hướng xỷ lý trong thời gian tới", ông Huy nói.
Trái ngược với thực trạng từ chối thâu mua vàng SJC cong vênh của một số doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp Phú Quý tại Hà Nội cho biết, đến nay, công ty vẫn chưa thấy có thông tin gì về việc ngừng thu mua vàng cong vênh hay thu phí cao hơn bình thường. Hầu như ngày nào cũng có trường hợp khách hàng mang vàng cong vênh hay rách góc đến bán. "Từ trước đến nay, chúng tôi vẫn mua vào và thu phí bao bì hay dập lại vàng cong vênh theo quy định", đại diện này cho biết. Đại diện này nhận định thêm, việc SJC ngừng thu mua vàng cong vênh hoặc mua với giá thấp có thể tạo cơ hội cho các cửa hàng nhỏ lẻ bắt chẹt khách hàng. "Khi khách mang vàng rách góc, vàng méo đến, chủ cửa hàng có thể nhân quy định này để ép giá mua vào thật thấp", đại diện của Phí Quý lo ngại. |
Nhóm phóng viên