Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 được Chính phủ trình Quốc hội sáng 20/10 cho thấy nợ công của Việt Nam, tính đến hết năm nay sẽ tương đương 54,6% GDP. Tính đến hết năm 2012 và 2015, con số này sẽ lần lượt là 58,4% và 60-65% GDP.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Văn Giàu cho rằng ở các nước đang phát triển như Việt Nam, nợ công chỉ nên được kiểm soát ở mức dưới 40% GDP. Ảnh: Nhật Minh |
Nếu những tính toán trên trở thành hiện thực thì trong vòng 4 năm tới, nợ công của Việt Nam sẽ vượt 60% - ngưỡng được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây cho là an toàn để kiểm soát. Dẫn chiếu khuyến cáo này, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Văn Giàu cho biết với những nước đang phát triển như Việt Nam, nợ công thậm chí chỉ nên kiểm soát ở mức dưới 40%.
Tuy nhiên, là người từng nắm cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Giàu cũng thừa nhận rằng nợ công ở Việt Nam, trước mắt, chưa thể giảm ngay do phải thực hiện các mục tiêu phát triển và đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, hộ nghèo và các vùng thường xuyên bị thiên tai.
Chính vì lý do này, trong báo cáo thẩm tra của mình, Ủy ban Kinh tế vẫn nhất trí với mục tiêu kiểm soát nợ công ở mức dưới 60% GDP trong năm 2012 và dưới 65% GDP 3 năm sau đó. Tuy vậy, Ủy ban cũng “nhắc nhở” Chính phủ về việc sử dụng các nguồn vốn vay này cần phải được tính toán hết sức chặt chẽ, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rộng lớn. Cơ quan điều hành cũng cần xây dựng phương án giảm nợ kể từ năm 2016.
Ngoài nợ công, Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý Chính phủ một số giải pháp điều hành, trong đó có việc đặt ra các chỉ tiêu lạm phát cụ thể hơn trong những năm tới. Cụ thể, Ủy ban nhất trí với nỗ lực đưa chỉ số giá tiêu dùng (CPI) về mức một con số trong năm 2012. Đến năm 2013 và 2014, Chính phủ cần kiểm soát CPI về dưới 6 - 7% và từ 5% đến dưới 7% vào năm 2015, từ đó làm cơ sở để tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
![]() |
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng Chính phủ nên đặt ra các mục tiêu cụ thể để kiểm soát lạm phát. Ảnh: Bloomberg |
Về xuất - nhập khẩu, Ủy ban ghi nhận mức giảm mạnh của nhập siêu những năm gần đây, từ gần 30% năm 2007 xuống 10 - 11% kim ngạch xuất khẩu năm 2011. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, con số vẫn rất lớn. Do vậy, trong những năm tới, cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có biện pháp giảm thâm hụt xuất - nhập khẩu về cả tỷ lệ cũng con số tuyệt đối thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Cũng theo tính toán của Chính phủ, việc điều hành xuất nhập khẩu sẽ giúp cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam thặng dư 18 - 27 tỷ USD trong 4 năm tới, dự trữ ngoại hối có thể được cải thiện lên 12 - 15 tuần nhập khẩu. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế còn nhập siêu cao thì việc điều hành theo dự báo nói trên cần thận trọng và có phương án cụ thể để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Một vấn đề khác cũng được Ủy ban Kinh tế “nhắc nhở” là bội chi ngân sách. Theo kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2015, bội chi của Việt Nam giảm xuống 4,5% GDP. Con số này được xem là không quá khó vì con số của năm 2010 đã là 5,53%. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế lưu ý rằng con số nói trên là tính theo “kiểu Việt Nam”, tức là không bao gồm các khoản chi từ Trái phiếu Chính phủ.
Trong khi đó, nếu tính theo thông lệ quốc tế, con số này sẽ lên khoảng 7% trong năm 2010. Trước thực tế này, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu trong thời gian tới tính bội chi ngân sách theo thông lệ quốc tế và vẫn kiên định mục tiêu giảm xuống 4,5% GDP vào năm 2015.
Nhật Minh