Việc gia hạn thuế được thực hiện từ nay đến hết ngày 31/12/2012.
Đây được coi là biện pháp hỗ trợ gián tiếp từ Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin. Ngoài việc gia hạn thuế, Vinashin còn được miễn cưỡng chế và không phải nộp số tiền phạt chậm nộp thuế đối với các nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị nhập khẩu về đóng tàu tại các hợp đồng bị hủy.
Con tàu Vinashin đang nỗ lực vượt cạn. Ảnh: TTXVN. |
Việc miễn phạt chậm nộp thuế cũng được áp dụng cho các thiết bị phụ tùng nhập khẩu về phục vụ cho đóng tàu xuất khẩu bị hủy hợp đồng, sau đó các doanh nghiệp bán lại cho đối tác trong nước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lưu ý, với những con tàu này, khi Vinashin bán cho doanh nghiệp trong nước cần phải kê khai với cơ quan hải quan để xác định thời hạn nộp thuế.
Hiện tại, Vinashin đã thực hiện xong bước một của đề án tái cấu trúc là chuyển giao nguyên trạng một số đơn vị vận tải và khu công nghiệp cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Trong đó có 7 công ty con, 23 công ty cháu và 5 dự án, với 5.137 người lao động được chuyển giao cho phía PVN và Vinalines. Tổng tài sản bàn giao là 21.247 tỷ đồng, 24.112 tỷ đồng nợ phải trả và 919 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Theo đề án Vinashin được Thủ tướng duyệt, việc tái cấu trúc đợt hai tiếp tục được thực hiện theo hướng tinh giản bộ máy. Ngoài việc giữ lại 43 công ty, với 29.660 lao động, tập đoàn đang tiếp tục tái cơ cấu 216 công ty khác trên cơ sở đánh giá thực trạng từng doanh nghiệp. Tổng tài sản còn lại sau khi tái cơ cấu là 68.243 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 53.054 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 9.615 tỷ đồng.
Việc tái cơ cấu này được thực hiện từ tháng 11/2010 và dự kiến kết thúc vào năm 2013.
Hồng Anh