Sau khi VnExpress.net đăng tải bài viết "Sếp EVN đau lòng vì lương nhân viên 7,3 triệu đồng", hàng nghìn độc giả gửi ý kiến phản hồi. Rất nhiều người thuộc các ngành nghề khác nhau như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên... "choáng" vì mức lương trung bình của ngành điện vào năm 2009 đã lên tới 7,3 triệu đồng, gấp 3-4 lần nhiều lĩnh vực khác.
Là giảng viên một trường đại học, độc giả Lê Thành chia sẻ, bản thân anh cũng mơ ước mức lương mà "sếp EVN phải đau lòng" bởi làm 10 năm lương chỉ có 3,1 triệu đồng mỗi tháng. "Với mức lương như thế, liệu ai có thể dành toàn bộ thời gian của mình cho công tác giảng dạy, hay họ phải bươn trải để kiếm tiền nuôi con ăn học?" và bạn đọc này bổ sung thêm: "Sau khi nghe phát biểu của sếp EVN, các quan chức cấp cao ngành khác có thấy thương xót cho ngành của mình không?".
Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Phạm Lê Thanh. Ảnh: Hoàng Lan. |
Đồng tình với quan điểm trên, độc giả Nguyễn Thị Mỹ Dung bộc bạch, lương dược sĩ đại học chưa tới 5 triệu, nhân viên công ty nước ngoài ngành dược chưa tới 6 triệu, lương công nhân chưa tới 3 triệu đồng mỗi tháng. "Trong khi đó lương 7,3 triệu là không đủ sống. Vậy những công nhân làm với mức lương đó làm sao họ sống được, không lẽ họ chết ?", chị Dung tâm tư.
Số đông đọc giả cho cho rằng, thời điểm năm 2009, khi giá cả chưa leo thang như hiện nay, thì mức lương 7,3 triệu là đáng mơ ước. Không ít người là công chức nhà nước chỉ có lương trên dưới 2 triệu đồng. Cán bộ tòa án vào nghề được 5- 10 năm, tính cả phụ cấp mới lên tới 3,19 triệu đồng. Còn bác sĩ, ra trường 10-25 năm có bằng thạc sĩ nhưng tổng thu nhập gồm lương và phụ cấp ngành, tiền trực... cũng chỉ khoảng 4- 5 triệu đồng. Không ít trường hợp tốt nghiệp loại giỏi, làm cho công ty vận tải quốc tế cũng chỉ trên dưới 5 triệu đồng mỗi tháng.
Nhiều bạn đọc ở thành thị thừa nhận mức lượng của họ dù thấp, chỉ bằng trên dưới một nửa nhà đèn nhưng "vẫn đủ nuôi vợ con và mẹ già ở thành thị". Do đó, số đông độc giả cho rằng, ngành điện cần tự xem và chỉnh đốn lại mình bởi so với mặt bằng chung của xã hội, đến nay, nhiều ngành vẫn không bắt kịp lương nhà đèn vào năm 2009.
"Một cán bộ cấp vụ sống ở Hà Nội, công tác gần 40 năm trong ngành, phấn đấu liên tục không mệt mỏi và có đủ các bằng cấp theo đúng chuẩn cấp vụ của Nhà nước quy định, mà mỗi tháng hiện thu nhập chưa được 6 triệu đồng", độc giả Trần Tiến Dũng chia sẻ.
Thậm chí bạn đọc Nguyễn Đoàn còn xin "cho tôi vô ngành điện với" và cam đoan "sẽ làm được những việc công nhân ngành điện đang làm". Độc giả này sẵn sàng chấp nhận chịu thiệt, chỉ xin lương 6 triệu một tháng, thấp hơn mức lương 1,3 triệu đồng của nhà đèn cách đây 2 năm.
Độc giả Nguyên Kiệt cũng có ý định viết đơn xin gia nhập ngành điện và chấp nhận "sống khổ" như nhân viên EVN. Thậm chí độc giả này còn hài hước, khi nhà đèn tuyển người, chỉ cần thông báo rộng rãi chắc chắc sẽ "không đủ chỗ mà nhận hết vì sếp sẽ không cam tâm nhìn thêm cả trăm con người phải chịu mức lương thấp".
Tuy nhiên, việc cùng lúc thông báo khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng và công khai mức lương của ngành điện nhiều bạn đọc bức xúc. Bạn đọc tên Dũng thắc mắc, EVN kêu lương nhân viên thấp, lỗ hàng nghìn tỷ đồng, vậy nguồn vốn ở đâu để đầu tư vào mảng viễn thông, bất động sản, ngân hàng? Trong khi lượng vốn đầu tư đó đổ vào đầu tư vào các dự án điện có thể sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều việc kinh doanh thua lỗ của EVN Telecom.
Anh Dũng lo ngại khoản lỗ nặng nề và việc than mức lương của EVN thấp là việc dọn đường cho tăng giá điện. Nghịch lý ở chỗ, ngành điện độc quyền lấy vốn nhà nước để mở rộng các ngành nghề khác ngoài lĩnh vực của mình rồi kinh doanh thua lỗ lại đòi tăng giá. "Nếu cứ tăng giá điện để bù lỗ cho việc tăng lương cho nhân viên ngành điện, cho các dự án thua lỗ khác ngoài ngành thì có lẽ giá điện sẽ tăng mãi không ngừng", anh Dũng lo lắng.
Trong khi nhiều người không đồng tình với phát ngôn của EVN thì một số ít độc giả tỏ ra thông cảm. Độc giả Minh Anh cho rằng, người đọc không nên quá khắt khe, bởi phát ngôn của ông Thanh đứng trên góc độ một người lãnh đạo của ngành. Lãnh đạo phải dám đặt mục tiêu và không thể vì nhìn mức sống ở những nơi khác, ngành khác thấp hơn mà phải chấp nhận "ừ thôi, như thế là mình cũng tốt lắm rồi".
"Rất có thể mục tiêu của EVN đặt ra về thu nhập bình quân của họ mong muốn là cao hơn, nhưng khi không đạt được thì với vai trò một người lãnh đạo, một người quản lý sẽ cảm thấy buồn", Minh Anh nói.
Theo độc giả này, việc so sánh tương quan mức sống, mức thu nhập của toàn xã hội thì đó là trách nhiệm của các lãnh đạo cấp Nhà nước. Do đó, độc giả Minh Anh nhấn mạnh mỗi người hãy đặt mục tiêu và làm tốt vai trò, chức trách của mình, trong phạm vi của mình trước đã.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc với nick Vicem cho rằng mức lương 7,3 triệu là chưa đủ sống. Do đó, doanh nghiệp lo được cho nhân viên mức lương ấy nên được động viên. Tiêu chí "nguồn lao động giá rẻ" là lợi thế cạnh tranh quốc gia dẫn đến nhiều doanh trả lương thấp. "Cá nhân tôi, tôi muốn sống được bằng chính đồng lương của mình, chuyên tâm vào công việc của mình, toàn tâm toàn ý cho công việc. Vì mình biết, mình không phải lo từng bữa ăn", độc giả Vichem bộc bạch.
Ngày 19/11, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Phạm Lê Thanh cho hay, lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng một tháng và chia sẻ "rất đau lòng khi thấy lương nhân viên chỉ có ngần đó". Theo lãnh đạo nhà đèn, đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì ổn, còn ở thành thị thì không thể sống được. |
Hoàng Lan