Chiều 9/7, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen phát đi thông cáo "Thị trường cafe Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực". Trong đó, thị trường cafe hòa tan, bao gồm cafe 3 trong 1 (3in1) và 2 trong 1 (2in1) có tăng trưởng doanh số tích cực tại 6 thành phố lớn, chủ yếu từ TP HCM. "Nestle dẫn đầu thị trường, theo sát sau là các nhà sản xuất trong nước như Trung Nguyên và Vinacafe Biên Hòa", thông cáo nêu rõ.
Thông cáo này được đưa ra 3 ngày sau khi Nielsen có văn bản bác bỏ tuyên bố của Trung Nguyên, khi hãng này cho rằng nhãn hàng G7 của mình là cafe hòa tan thứ thiệt số một Việt Nam dựa trên những số liệu cũng do Nielsen nghiên cứu. Trong văn bản phản đối hôm 6/7, Nielsen cho biết chưa từng cung cấp văn bản xác nhận nào để chứng thực cho thông tin trên. Thêm đó, từ "số một" bao hàm nghĩa rất rộng nên cần phải xem lại vì G7 chỉ dẫn đầu thị phần về cafe 3in1.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, nguồn tin từ Nielsen cho biết, kết quả cuối cùng về thị trường cafe Việt Nam đúng như thông báo chính thức do hãng phát đi chiều ngày 9/7.
Trung Nguyên đã sửa lại tuyên bố về vị thế số một của cafe G7. Ảnh trên là công bố mới, ảnh dưới là công bố hôm 4/7. Nguồn: Website Trung Nguyên |
Về phần mình, Trung Nguyên cũng đã khéo léo chỉnh lại các công bố về vị thế số một của nhãn hàng G7. Trong tuyên bố "G7 - Cafe hòa tan thứ thiệt số một Việt Nam" phát đi hôm 4/7 đã được bổ sung từ "3IN1". Nguồn số liệu cũng không còn đề tên Nielsen, thay vào đó là "Một công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới".
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện cafe Trung Nguyên, bà Phạm Thị Điệp Giang, Phó giám đốc truyền thông của tập đoàn xác nhận G7 dẫn đầu về thị phần cafe hòa 3in1. Theo bà, vị thế dẫn đầu dựa trên nghiên cứu của nhiều công ty uy tín và doanh số thực tại của Trung Nguyên. Các nhà máy hoạt động hết công suất song vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Bà Điệp cho biết thêm, Trung Nguyên đã làm việc Nielsen về việc tranh cãi vị thế "số một" của cafe G7 tuần qua. "Chúng tôi cho rằng có sự hiểu lầm trong thuật ngữ nghề nghiệp từ hai phía nên đã chủ động đối thoại để giải quyết khúc mắc này", bà Giang nói.
Sau khi làm việc, Trung Nguyên đã đồng ý bỏ tên "Nielsen" trong kết quả công bố ngày 4/7. Điều này dựa trên tinh thần hợp tác và "tránh cho Nielsen những áp lực từ các đơn vị khác", bà Giang giải thích.
Bà Phạm Thị Điệp Giang cho biết thêm, Trung Nguyên đang tiến hành những khảo sát quy mô hơn với sự tham gia của các chuyên gia đo lường thị trường uy tín về thương hiệu và sản phẩm của Trung Nguyên. Đơn vị này hi vọng G7 sẽ không phải chịu nghi ngờ về vị thế số một khi những kết quả khảo sát quy mô hơn sớm được công bố.
Trong khi đó, ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc truyền thông của Nestle - đơn vị được Nielsen công bố dẫn đầu về thị trường cafe hòa tan - cho biết, công ty nhận được kết quả từ AC Nielsen chiều hôm qua (9/7). Hãng cũng không quá bất ngờ vì việc dẫn đầu thị phần cafe hòa tan tại Việt Nam đã duy trì hơn 10 năm nay và điều đó cũng không dễ thay đổi một sớm một chiều.
Theo ông Tuấn, thị trường cafe hòa tan bao gồm cả cafe hòa tan 3in1 (cafe, sữa, đường), cafe 2in1 (cafe, đường) và cafe bột. Nestle dẫn đầu về cafe hòa tan nói chung, còn Trung Nguyên chỉ dẫn đầu cafe 3in1 nên có thể dẫn đến sự hiểu nhầm trên.
"Theo thói quen uống cafe người Việt, một nửa người thích uống cafe sữa, còn lại cafe đen. Vì thế dẫn đầu cafe 3in1 mới chỉ nói đến một nửa thị trường", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho rằng, Nielsen là công ty nghiên cứu thị trường nên thông tin hoàn toàn mang tính trung lập. Hằng năm, các doanh nghiệp đều chi hàng nghìn đôla để mua số liệu từ hãng đó, không chỉ để định vị thương hiệu mà còn hoạch định chiến lược phát triển. "Không đơn vị nào chi tiền để nhận dữ liệu sai, yếu tố chính xác cũng là điều kiện quan trọng hàng đầu của một công ty nghiên cứu như Nielsen", ông Tuấn nhấn mạnh.
Xuân Ngọc