Ông Trần Ngọc Thơ. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
- Theo ông, liệu các nỗ lực cải cách doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua có đủ để VN an tâm giao cho các đơn vị này những khoản tiền khổng lồ từ vay nợ nước ngoài?
- Trước hết, thông cáo của Bộ Tài chính cho thấy họ lạc quan với con số đăng ký mua lên đến 4,5 tỷ USD, gấp 6 lần so với số trái phiếu mà VN phát hành. Cần phân tích thêm để hiểu vì sao trái phiếu Chính phủ lại đắt hàng như thế.
Theo nguyên tắc, nguồn trả nợ các khoản vay này là từ quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia, của VN theo ước tính là khoảng 3 tỷ USD (tương đương với 8 tuần nhập khẩu). Lần đầu tiên VN đi vay nợ thương mại, do vậy dưới mắt các nhà đầu tư nước ngoài, khi căn cứ vào nguồn dự trữ ngoại tệ thì khả năng trả nợ của VN rất cao. Ở thời điểm VN phát hành trái phiếu chính phủ, khả năng trả của VN cao hơn một vài nước trong khu vực hoặc các nước châu Phi.
Sau này, nếu chúng ta tiếp tục vay thêm thì mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài có thể giảm đi vì khi đó khoản nợ vay tăng lên so với quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. (Trừ trường hợp VN có những bước đi dài hơn trong cải cách, tăng trưởng tốt hơn và tăng được dự trữ ngoại hối quốc gia).
Một yếu tố khác không thể bỏ qua là trên thị trường cũng có những nhà đầu tư thích “khẩu vị rủi ro”. Họ không mua trái phiếu chính phủ Mỹ vì có lãi suất thấp, chỉ khoảng 4,5%/năm. Trái phiếu chính phủ VN vừa phát hành, thực chất có yếu tố rủi ro, lãi suất đến 7,15%/năm đã đáp ứng được “khẩu vị” của một số nhà đầu tư mạo hiểm.
Thông thường giá trái phiếu sẽ tùy thuộc vào cung cầu của thị trường. Trường hợp mua nhiều hơn bán, giá bán phải bằng hoặc cao hơn mệnh giá phát hành.
Ở trường hợp trái phiếu chính phủ vừa phát hành, nhu cầu mua lên tới 4,5 tỷ USD, gấp sáu lần số phát hành nhưng giá bán lại thấp hơn mệnh giá. Có nghĩa là số tiền mà chúng ta thu được ít hơn mệnh giá đã phát hành nhưng tiền lãi thì vẫn trả đủ trên mệnh giá phát hành.
Thành công của đợt phát hành có thể sẽ mở ra “hội chứng” vay nợ nước ngoài trong các tổng công ty nhà nước. Tiếp sau Vinashin, rồi sẽ đến Tổng công ty Dầu khí VN, Tổng công ty Điện lực... Tùy phương án phát hành, có thể Chính phủ không bảo lãnh nợ, nhưng khi nhà đầu tư nước ngoài cho vay họ cũng đều trông vào quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Trong khi đó quỹ dự trữ ngoại hối của quốc gia chỉ đủ để thanh toán các khoản nợ trong mua, bán xuất nhập khẩu, tức là các khoản nợ ngắn hạn chứ chưa đủ đảm bảo thanh toán đối với các khoản nợ dài hạn, trong đó có các khoản vay nợ của các tổng công ty nhà nước. Chỉ cần các tổng công ty trục trặc trong kinh doanh, trả nợ không đúng hạn đều có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và từng người dân.
Mặc dù chúng ta đã nỗ lực cải cách các doanh nghiệp Nhà nước nhưng thật sự chúng ta vẫn chưa có được một cơ chế giám sát hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này. Do vậy nỗi lo còn đó khi chúng ta tiếp tục bơm tiền cho các tổng công ty nhà nước.
- Vinashin - đơn vị sẽ nhận 500 triệu USD từ tiền vay nợ của Chính phủ - cũng đã có đề án thuê người nước ngoài điều hành, đó có phải là một bước để bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả?
- Nếu cho rằng việc thuê tổng giám đốc là người nước ngoài để nâng cao tính hiệu quả hoạt động của Vinashin thì đó là ảo tưởng.
Đáng lo hơn, nếu việc thí điểm thuê người nước ngoài vào điều hành các tổng công ty đang được xem là một giải pháp cho việc cải tiến phương thức quản lý ở các doanh nghiệp Nhà nước, sau này có thể áp dụng đại trà cho cả trăm tổng công ty Nhà nước.
- Vậy theo ông, cơ chế giám sát mới nên bắt đầu như thế nào?
- Khoản vay nước ngoài là khoản vay thương mại, được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh lợi để trả nợ. Vì vậy cũng cần phải có cơ chế giám sát mang tính thị trường.
Thứ nhất phải tách bạch giữa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với các mục tiêu xã hội của các doanh nghiệp Nhà nước. Tạo ra cơ chế quản lý sao cho không thể tồn tại việc các quan chức nhà nước nằm trong hội đồng quản trị và ban giám đốc. Quan điểm này khá mới nhưng rất phù hợp một khi chúng ta hội nhập ở mức cao hơn. Như vậy tổng giám đốc người nước ngoài của Vinashin hay các tổng công ty nhà nước phải được làm với hội đồng quản trị gồm những người không phải do Chính phủ bổ nhiệm mà do cổ đông bầu lên.
Các viên chức quản lý cấp cao phải là những chuyên gia thật sự am hiểu sâu sắc các kiến thức và kỹ năng kinh doanh. Nhưng quan trọng hơn cả phải thiết lập cơ chế kiểm soát từ bên ngoài đối với các doanh nghiệp Nhà nước. Cho đến nay, chưa có bất kỳ tổng công ty nhà nước nào, kể cả Vinashin, có được cơ chế giám sát từ thị trường. Cơ chế này chỉ có được khi các tổng công ty này phát hành cổ phiếu gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để mọi nhà đầu tư có thể giám sát mọi hoạt động của tổng công ty.
Cơ chế giám sát qua chủ quản, hội đồng quản trị cùng là người nhà với nhau, qua thanh tra... mà Nhà nước đang áp dụng sẽ không hiệu quả bằng cơ chế giám sát từ thị trường. Nếu tổng công ty đưa ra quyết định không đúng, nhà đầu tư sẽ phản ứng, giá cổ phiếu sẽ giảm, buộc tổng công ty phải điều chỉnh.
Chỉ khi nào thiết lập được cơ chế này thì chúng ta mới có thể an tâm hơn về các khoản vay nợ từ nước ngoài cho các tổng công ty nhà nước. Trung Quốc đã mạnh dạn với giải pháp này, mới đây nhất Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã được đưa niêm yết ở thị trường chứng khoán. Ở VN, chưa có tổng công ty nào được giám sát ở thị trường chứng khoán.
- Nhưng quá trình cổ phần hóa phải diễn ra theo kế hoạch, trong khi các tổng công ty này rất cần tiền để gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế cho VN?
- Không có gì khó. Ngay lúc này hãy mời những nhà đầu tư nước ngoài đã mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ, đại diện của ngân hàng đã tài trợ nhiều cho Vinashin cùng tham gia hội đồng quản trị của Vinashin.
Chắc chắn họ sẽ có tiếng nói phản biện tích cực để giúp Vinashin điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn trước các khoản nợ vay. Cần hiểu rằng doanh nghiệp Nhà nước là một sản phẩm có cấu trúc đơn nhất hướng về mục tiêu kinh doanh chứ không phải là miếng bánh chia phần để ai đó có thể “gặm bớt”.
(Theo Tuổi Trẻ)